13/03/2023 06:47
Đồng chí Lê Hoàng Phi, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh và anh Trần Trí Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh trao nguồn vốn hỗ trợ thanh niên.
Năm 2022, thanh niên Trần Văn Điện, ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú hỗ trợ vay 40 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi heo rừng.
Anh Điện chia sẻ: nhờ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu gia đình tôi mua 06 con heo giống từ các hộ dân ở địa phương về chăn nuôi làm mô hình kinh tế. Việc chăm sóc cho heo cũng không mất nhiều thời gian. Nguồn thức ăn cho heo rừng cũng đơn giản có thể nấu cháo, hoặc trộn cám gạo với chuối cây làm thức ăn cho heo. Ngoài ra, tôi tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ, trồng rau, mỗi sáng và chiều, tôi dành thời gian cắt rau, cỏ bỏ vào chuồng, vậy là có thể yên tâm đi làm công việc khác. Sau gần 01 năm chăm sóc hiện đàn heo rừng phát triển tốt.
Chị Hồng Thị Mỹ Lương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Trà Cú cho biết: nhằm tạo điều kiện cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, năm 2022, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tranh thủ kết nối các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình... Hiện tổ chức Đoàn quản lý 75 tổ, với 2.907 hộ vay vốn, dư nợ trên 77,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Huyện Đoàn còn tranh thủ các nguồn vốn của Đoàn hỗ trợ 59 đoàn viên phát triển kinh tế gia đình với số vốn trên 2,2 tỷ đồng. Thành lập 04 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản và nuôi bò vỗ béo tại các xã: Phước Hưng (01 tổ), Tập Sơn (01 tổ) và Lưu Nghiệp Anh (02 tổ) với 21 thành viên, tổng số vốn đầu tư ban đầu là 660 triệu đồng. Hiện các mô hình đang phát triển tốt.
Anh Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh cho biết: những năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong công tác vận động nguồn lực xã hội đầu tư và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tuy nhiên, với sự thích ứng và chuẩn bị sớm về giải pháp, nguồn lực, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thanh niên địa phương, đơn vị.
Năm 2022, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 48.000 lượt ĐVTN, học sinh; phối hợp giới thiệu việc làm cho trên 9.492 ĐVTN, trong đó có 309 ĐVTN xuất khẩu lao động. Phối hợp tổ chức 247 lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc cây trồng cho đoàn viên, hội viên, thanh niên và người dân. Đến nay, có nhiều sản phẩm của thanh niên được công nhận sản phẩm OCOP 03 sao, 04 sao như: đàn Giutar phím lõm, dừa sáp Cầu Kè, tinh dầu gấc, mật hoa dừa, gạo Long Hiệp…
Hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho thanh niên địa phương tiếp tục được quan tâm. Công tác hướng dẫn và hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay khởi nghiệp, giải quyết việc làm được triển khai khá hiệu quả song song với việc rà soát hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ thực hiện các dự án. Trong năm, Tỉnh Đoàn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức xây dựng dự án khởi nghiệp cho thành viên câu lạc bộ khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện.
Bên cạnh đó, phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân vốn cho 387 ĐVTN, số vốn trên 14,8 tỷ đồng; phối hợp Dự án Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh tổ chức hoạt động “Nói chuyện chuyên đề Khởi nghiệp” dành cho ĐVTN tại các trường THPT có hơn 3.000 lượt ĐVTN tham gia. Các cấp bộ Đoàn hỗ trợ 243 thanh niên hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Đến nay, toàn tỉnh có 06 hợp tác xã, 92 tổ hợp tác và 151 mô hình, câu lạc bộ phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả, có 2.668 đoàn viên tham gia; tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội qua Đoàn Thanh niên quản lý trên 359,7 tỷ đồng, gồm 337 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007, của Bộ Chính trị (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, Kế hoạch số 25-KH/HU, ngày 26/02/2008 về thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị. Qua hơn 17 năm triển khai thực hiện các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả khá quan trọng trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, qua đó góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, chất lượng giáo dục, đào tạo, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương ngày càng đi vào nề nếp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể.