10/06/2021 08:13
Ông Út Nhứt với công việc hàng ngày.
Ký ức của ông Út Nhứt nhớ về cha mình khi được cùng mẹ đến thăm cha đang bị tù đày tại khám lớn Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) vào năm 1971, khi ấy ông còn là một cậu bé lên năm, lên sáu. Cha của ông Út Nhứt là ông Nguyễn Văn Trứ, sinh năm 1914, quê ở ấp Dừa Đỏ 3, xã Nhị Long, huyện Càng Long. Ông Trứ lúc bấy giờ là Phó Ban cán sự ấp Dừa Đỏ 3, xã Nhị Long, trong một lần đi công tác ông Trứ bị địch bắt. Sau lần ông cùng mẹ đến thăm cha tại khám lớn Vĩnh Bình, cha ông bị giặc đày ra nhà tù Côn Đảo. Về sau, ông Út Nhứt và gia đình mới biết tin ông Trứ đã hy sinh vào năm 1972 khi bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo. Do hy sinh tại Côn Đảo, các giấy tờ liên quan bị thất lạc, nhiều nhân chứng cũng không còn nên việc xác nhận thông tin xét công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Trứ mất nhiều thời gian. Mãi đến năm 1992, ông Nguyễn Văn Trứ mới được công nhận liệt sĩ.
Biết được hoàn cảnh và câu chuyện của ông Út Nhứt, với tấm lòng và tình cảm, Thượng tá Trần Ánh Điều, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trà Cú (trước đây là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 926, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 926 động viên và hỗ trợ một phần chi phí để ông Út Nhứt một lần được đến Côn Đảo viếng Nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ cha sau 49 năm chờ đợi. |
Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1982, ông Nguyễn Văn Nhứt nhập ngũ thi hành nghĩa vụ quân sự, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về địa phương tham gia công tác đoàn thể. Sau đó, trở lại với cuộc sống đời thường với nghề rửa xe. Cuộc sống gia đình khó khăn, nên 49 năm qua kể từ khi cha hy sinh ông chưa có điều kiện đến Côn Đảo viếng mộ phần của cha.
Ông Út Nhứt chia sẻ: “Qua chuyến đi, tôi trở về với tâm trạng hân hoan vì đã thực hiện được ước nguyện. Tôi rất vui mừng vì được đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi biết bao anh hùng liệt sĩ của dân tộc đang an nghỉ, cũng vui mừng vì mộ phần của cha tôi và các anh hùng liệt sĩ được các cấp chính quyền quan tâm chăm sóc, khang trang, sạch đẹp. Tôi rất cảm ơn những đồng đội đã hỗ trợ chi phí để tôi có được điều kiện thực hiện niềm mong ước của mình”.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp gỡ những nhân chứng sống, những đảng viên cao niên tuổi Đảng. Đó là ông Bùi Công Cảnh, Phạm Văn Bẹ, Huỳnh Công Bờ, tuy mỗi người một hoàn cảnh, một chặng đường riêng, nhưng cùng có điểm chung là sự trung kiên với Đảng, tận tụy với Nhân dân và niềm tin sắt son vào sự phát triển của quê hương sau ngày hòa bình lặp lại.