22/03/2023 13:31
Ông Nguyễn Hùng Dỏng (trái) phản ánh đoạn sạt lở ăn sâu vào phần đất của gia đình và tạo hàm ếch sâu 02-03m.
Nhà vườn Nguyễn Hùng Dỏng, ấp An Bình, xã Hòa Tân cho biết: từ năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng triều cường và gió mạnh đã gây sạt lở diện tích đất vườn của gia đình nằm ven Sông Hậu. Với diện tích hơn 3.600m² đất vườn trồng xoài, dừa; đến nay, do sạt lở hàng năm nên diện tích đất bị mất gần 1.600m². Do đoạn sạt lở này khá lớn (dài 50m) và tạo “hàm ếch” ăn sâu vào phía trong khoảng 03m; gia đình cũng rất lo lắng và mong tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để triển khai gia cố, khắc phục đoạn sạt lở trên trước mùa mưa bão và triều cường năm nay.
Đồng chí Võ Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: tại địa phương, có 11/20 điểm sạt lở; có nguy cơ gây ảnh hưởng cho 120 hộ dân, 58 căn nhà, 111ha diện tích đất vườn và 01 khu nuôi cá. Địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra thông qua các Tổ quản lý đê bao ven Sông Hậu để kịp thời phát hiện và thông báo cho địa phương, người dân sinh sống tại các điểm có nguy cơ cao trên. Đối với xã, hàng tháng tổ chức hợp 02 lần vào ngày 15 và 30 để nghe cơ sở báo cáo về tình hình sạt lở ven Sông Hậu.
Tại khu vực ven Sông Hậu thuộc địa bàn xã Ninh Thới có 09 điểm sạt lở ở các ấp Rạch Đùi, Vàm Đình và Xẻo Cạn; với chiều dài từ 30m đến 300m, ăn sâu vào đất liền từ 02m - 06m.
Nhà vườn Trịnh Thanh Nhàn ở ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới đưa chúng tôi đến xem điểm sạt lở nằm phía trước nhà (ven Sông Hậu), ông Trịnh Thanh Nhàn cho biết: khi vào tháng 3, tháng 4 âm lịch sóng từ ngoài Sông Hậu đánh vào rất to, từng mảng đất từ 01-1,5m³ đổ sập theo từng con sóng. Từ năm 2020, điểm sạt lở này gia cố tạm bằng cọc dừa, gia đình cố gắng trồng thêm cây để chắn sóng, nhưng không chịu nổi. Hiện nay, đoạn sạt lở này dài khoảng 40m và tạo thành vòng cung ăn sâu vào đất liền khoảng 12 -15m so với phần đất còn lại nằm ở phía ngoài Sông Hậu. Đoạn sạt lở khu vực này gây ảnh hưởng cho 20 hộ, 05 nhà ở, diện tích 08ha.
Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: do đây là các điểm sạt lở lớn, ngoài tầm đầu tư của địa phương, nên huyện kiến nghị với tỉnh sớm thi công, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và vườn cây ăn trái cho người dân trước mùa mưa bão sắp tới.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng cao, trong đó, công tác vận động, tranh thủ vai trò người có uy tín được lực lượng công an các cấp thực hiện có hiêu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.