11/11/2024 05:24
Chị Kim Thị Sô Đây, hội viên phụ nữ ấp Sóc Ruộng là một minh chứng điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Chị Kim Thị Sô Đây được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội, đồng thời là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị Kim Thị Sô Đây hoàn thành công đoạn cuối cùng cho sản phẩm mứt dừa sáp đường phèn trước khi đưa ra thị trường.
Xuất phát từ nhà nông, quanh năm với ruộng vườn, kinh tế chẳng khá giả gì mấy, nhận thấy nguồn nguyên liệu dừa sáp ở địa phương khá dồi dào, trong khi đó nếu bán dừa sáp trái thì thu nhập mang lại không cao so với sơ chế các sản phẩm từ trái dừa sáp, chị luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng tầm giá trị dừa sáp của quê hương mình.
Nghĩ là làm, năm 2019 chị quyết định khởi nghiệp bằng việc chế biến mứt dừa sáp, ban đầu chị làm mứt dừa sáp bằng đường cát trắng, do độ ngọt cao nên sản phẩm không được thị trường ưa chuộng, sau chị nghiên cứu chuyển sang làm mứt dừa sáp bằng đường phèn, do đường phèn có độ ngọt thanh, dịu nhẹ nên người tiêu dùng ưa chuộng, thế là chị chuyển hẳn sang làm mứt dừa sáp bằng đường phèn và chị đã thành công với sản phẩm này. Hiện mỗi tháng chị sản xuất và cung ứng ra thị trường bình quân 300kg mứt dừa sáp đường phèn thành phẩm, bán với giá 400.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí chị còn lợi nhuận 50 đồng/kg, mỗi tháng chị thu về 15 triệu đồng. Đến năm 2022, chị mạnh dạn làm thêm sản phẩm dừa sáp đông lạnh, dừa sáp nguyên trái sau khi mua về loại bỏ phần lớp võ bên ngoài chỉ giữ lại phần cơm dừa bên trong và được vô bịt hút chân không sau đó đông lạnh bán ra thị trường. Hiện tại mỗi tháng chị cung ứng ra thị trường trên dưới 200 trái dừa sáp đông lạnh, lợi nhuận 04 triệu đồng.
Vào tháng 7/2024, 02 sản phẩm mứt dừa sáp đường phèn và dừa sáp đông lạnh của chị đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, thị trường biết đến sản phẩm của chị nhiều hơn, lượng đơn đặt hàng ngày một nhiều từ đó thu nhập của chị cũng tăng theo. Nhận thấy 02 sản phẩm chế biến từ dừa sáp ban đầu khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, hiện tại chị Sô Đây đang nghiên cứu và bước đầu cho ra “lò” thêm sản phẩm nước dừa sáp đường phèn hoa đậu biếc, sản phẩm này đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu thành công sẽ giúp chị Sô Đây đa dạng hơn các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp trên con đường khởi nghiệp của mình.
Chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình, chị Sô Đây cho biết: nhà tôi có trồng dừa sáp, khi thu hoạch bán cho các cơ sở thu mua, họ chỉ thu mua những trái sáp đặc, còn sáp lỏng thu mua rất rẻ, thậm chí không thu mua. Thấy vậy nên tôi có ý tưởng làm mứt dừa sáp, ban đầu làm mứt dừa sáp đường cát trắng, do đường cát trắng có độ ngọt gắt, không thích hợp cho những người hạn chế sử dụng đường, sản phẩm làm ra ít được người tin dùng. Sau tôi chuyển sang làm mứt dừa sáp đường phèn và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Ngoài mứt dừa sáp ra tôi còn có sản phẩm dừa sáp đông lạnh, từ khi sản xuất hai loại sản này thấy kinh tế gia đình rất ổn định. Hướng tới đây tôi sẽ đầu tư máy sấy, tủ đông để mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Không chỉ lo phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, chị Sô Đây còn vận động, hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Mới đây chị đã cùng với phụ nữ ở địa phương có trồng dừa thành lập Tổ hợp tác trồng dừa sáp. Sau khi Tổ hợp tác đưa vào hoạt động, tất cả dừa sáp trái của các thành viên trong tổ đã được chị thu mua để làm nguyên liệu chế biến mứt dừa sáp và dừa sáp đông lạnh, qua đó đã giúp cho các thành viên trong tổ có đầu ra dừa sáp trái ổn định.
Bên cạnh đó, chị Sô Đây còn là một hội viên rất tích cực, năng động tham gia các phong trào thi đua của Hội phụ nữ. Chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và người thân tham gia các phong trào của địa phương. Bằng sự nỗ lực của hai vợ chồng, kinh tế của gia đình chị Sô Đây đã ổn định, cuộc sống bình dị nhưng rất đầm ấm và hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hòa Tân cho biết: chị Sô Đây là người đầu tiên tham gia khởi nghiệp và chị khởi nghiệp thành công từ mô hình chế biến các sản phẩm từ dừa sáp. Các sản phẩm của chị làm ra đảm bảo được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo được uy tín ngoài thị trường. Sản phẩm làm ra ngày một số lượng nhiều hơn.
Chị Sô Đây thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, các lớp hướng dẫn về khởi nghiệp, tham gia hội chợ thương mại, ngoài ra chị cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội cũng như của địa phương phát động, chị cũng là thành viên của Tổ hợp tác chế biến các sản phẩm từ dừa sáp. Chị Kim Thị Sô Đây là một trong những hội viên tiêu biểu ở địa phương về phong trào khởi nghiệp.
Bài, ảnh: QUANG HUY
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng cao, trong đó, công tác vận động, tranh thủ vai trò người có uy tín được lực lượng công an các cấp thực hiện có hiêu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.