10/08/2023 13:36
Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số giúp giải quyết công việc đạt hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, Trà Vinh xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố của cả nước (tăng 01 bậc so năm 2021), xếp vị trí thứ 05/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả xếp hạng 03 trụ cột: Chính quyền số xếp hạng 29/63, Kinh tế số xếp hạng 27/63, Xã hội số xếp hạng 26/63; là 01 trong 10 địa phương dẫn đầu về nhân lực số.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, phát huy những kết quả đạt được, 06 tháng đầu năm 2023, Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành. Sở đã hoàn thành đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trung tâm dữ liệu của tỉnh. Đến nay, Trung tâm dữ liệu của tỉnh cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, năng lực hiện tại đảm bảo cho triển khai, vận hành 16 ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh (03 hệ thống của Tỉnh ủy, 13 hệ thống của UBND tỉnh). 150 cơ quan, đơn vị (16 cơ quan Đảng, 134 cơ quan nhà nước) duy trì điểm kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, hình thành mạng khép kín và được triển khai các giải pháp an toàn thông tin. Cấp mới 740 chứng thư số, nâng tổng số chứng thư số đang hoạt động trên 3.247 (648 chứng thư số tổ chức, 2.599 chứng thư số cá nhân) phục vụ ký số văn bản, hồ sơ điện tử.
Về phát triển nền tảng số, 06 tháng đầu năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng 06 nền tảng số: (1) Trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); (2) Ký số; (3) Kho dữ liệu dùng chung; (4) Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; (5) Công dân số (6) Trợ lý ảo. Nâng đến nay, Trà Vinh có 13 nền tảng số dùng chung của tỉnh.
Các nền tảng số, dữ liệu số cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan trên địa bàn tỉnh khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, hỗ trợ ra quyết định, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính nhằm cung cấp hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ người dân doanh nghiệp thuận tiện hơn trong sử dụng các dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đến nay, cổng dịch vụ công của tỉnh đang cung cấp 551 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 29,65%); 1.077 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 57,96%); hoàn thành tích hợp cung cấp 945 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 06 tháng đầu năm 2023, hồ sơ được nộp bằng hình thức trực tuyến đạt trên 31,3%.
Đồng thời, trong 06 tháng đầu năm 2023, hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hỗ trợ các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, xác thực thông tin công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Có khoảng 24.540 lượt truy cập dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Nhằm thực hiện tốt việc chuyển đổi số, nhân lực phụ trách công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng, tất cả các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đều bố trí cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.
Sở Thông tin và Truyền thông chú trọng công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, nỗ lực duy trì kết quả là 01 trong 10 điạ phương dẫn đầu về nhân lực số. 06 tháng đầu năm 2023, Sở đã triển báo cáo chuyên đề “Chuyển đổi số hiện nay - nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần quan tâm thực hiện để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian tới” cho hơn 500 học viên là cán bộ quy hoạch cấp ủy cấp huyện và tương đương; tập huấn sử dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân cho 818 lượt là công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; cử hơn 35 lượt công chức, viên chức tham dự các hội thảo, triển lãm liên quan chuyển đổi số, an toàn thông tin, tập huấn “Chuyển đổi số cộng đồng cho cán bộ Đoàn - Hội” trên địa bàn huyện Châu Thành...
Đến nay, sau 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 26/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động về chuyển đổi số của Trà Vinh chuyển biến rõ nét. Nhận thức về chuyển đổi số từ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đến người dân, doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn, giao dịch điện tử được triển khai trên nhiều lĩnh vực, chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được nâng dần qua các năm, các quy trình bảo đảm nguyên tắc đơn giản, công khai, đúng luật, nhanh chóng, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.