11/05/2025 21:03
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 08-11/5.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong giai đoạn hợp tác mới.
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 08-11/5.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại: 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nga (30/01/1950 - 30/01/2025); 50 năm Giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (09/5/1945- 09/5/2025); 80 năm Quốc khánh Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025).
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã hội đàm hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin; có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Quốc hội) Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko, Chủ tịch Duma Quốc gia (Quốc hội) Liên bang Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin và Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev, Trợ lý Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng Biển Liên bang Nga Nikolai Platonovich Patrushev, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga Gennady Andreyevich Zyuganov và Chủ tịch Đảng “Nước Nga Công bằng-Những người yêu nước-Vì sự thật” S. M. Mironov.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đặt hoa tại Tượng đài Liệt sỹ vô danh, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bia tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; phát biểu chính sách tại Học viện Kinh tế và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga; tiếp Hội Cựu chiến binh, Hội hữu nghị Nga-Việt; gặp gỡ và tri ân các công dân Nga từng làm việc tại Việt Nam; gặp lãnh đạo một số địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiêu biểu của Nga.
Các cuộc hội đàm và gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống, chân thành và tin cậy, đặc trưng của quan hệ song phương.
Lãnh đạo Việt Nam và Nga đã trao đổi ý kiến sâu rộng, toàn diện và thực chất về các nội dung hợp tác tạo xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga phát triển mạnh mẽ.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Liên bang Nga đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Nga trên trường quốc tế.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin chúc Việt Nam triển khai thành công công cuộc cải cách hành chính quy mô to lớn nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí.
Trên cơ sở kết quả chuyến thăm, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đã tuyên bố về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong giai đoạn mới như sau:
Thành tựu 75 năm quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga
1. Trong 75 năm qua, nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, sự tin cậy chính trị sâu sắc, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga có vai trò và vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của hai nước, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước.
2. Dù cho thay đổi của lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn đứng vững, góp phần củng cố an ninh và phát triển ổn định tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung. Với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Liên bang Nga đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin tháng 3/2001 và lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 7/2012 và đang tiếp tục phát triển tích cực phù hợp với lợi ích hai quốc gia, là tài sản vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác cùng có lợi.
3. Sau 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, bao gồm:
- Đối thoại chính trị với độ tin cậy cao, chặt chẽ và hiểu biết sâu sắc thông qua các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo nền tảng vững chắc cho việc củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ trên mọi lĩnh vực.
- Hợp tác quốc phòng-an ninh là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.
- Hợp tác kinh tế-thương mại, trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, không ngừng được thúc đẩy thông qua nhiều cơ chế và văn kiện hợp tác chung, bao gồm Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh kinh tế Á-Âu và các quốc gia thành viên ký ngày 29/5/2015.
- Hợp tác năng lượng-dầu khí là điểm nhấn quan trọng và là biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa hai nước, với ngọn cờ đầu là Liên doanh Vietsovpetro tại Việt Nam và Liên doanh Rusvietpetro tại Nga.
- Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ phát triển năng động, mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong đó Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Nga là một trong những điểm sáng về hợp tác hiệu quả, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến trao Thỏa thuận giữa 2 Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác cùng tuyển chọn các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt - Nga.
- Hoạt động giao lưu nhân dân nhận được sự quan tâm thúc đẩy trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
- Hai bên duy trì quan điểm gần gũi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và các diễn đàn đa phương.
4. Những thành tựu của 75 năm hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga là nền tảng vững chắc và là động lực để hai bên củng cố, mở rộng và đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, là hình mẫu hợp tác trong giai đoạn mới.
Những định hướng lớn của quan hệ song phương
5. Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong 75 năm qua, hai Bên quyết tâm tận dụng tiềm năng, lợi thế và các cơ hội sẵn có của hợp tác song phương, gìn giữ và củng cố truyền thống hữu nghị, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga lên tầm cao mới về chất.
6. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất để kịp thời thông tin cho nhau về quá trình triển khai các thỏa thuận đạt được giữa Lãnh đạo hai nước.
Hai Bên khẳng định thường xuyên quan tâm nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, đặc biệt là Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, Đối thoại Chiến lược Quốc phòng, Đối thoại Chiến lược Việt-Nga, thúc đẩy tiếp xúc giữa các doanh nghiệp; thiết lập các cơ chế đối thoại mới, xử lý kịp thời các vướng mắc trong hợp tác song phương.
Hai Bên mong muốn mở rộng quan hệ giữa các Đảng chính trị, Lãnh đạo các cơ quan lập pháp, trên kênh Ủy ban hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Duma Quốc gia (Quốc hội) Liên bang Nga, giữa các Ủy ban chuyên môn và Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội hai nước; tiếp tục phối hợp hành động tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
7. Hai bên khẳng định hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là trụ cột quan trọng trong tổng thể phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Hai Bên nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh với độ tin cậy cao, hiệu quả để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay. Khẳng định hợp tác trong lĩnh vực này không nhằm chống lại nước thứ ba, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.
Hai bên nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định, thỏa thuận song phương đã ký kết, trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế ký ngày 6/9/2018, nhằm ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục đích xâm hại chủ quyền, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các hành vi khác trên không gian mạng toàn cầu có mục đích cản trở hòa bình, an ninh và ổn định của hai nước.
Hai bên khẳng định quyết tâm thiết lập các điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác về các vấn đề bảo đảm an toàn sinh học, trong đó có việc xây dựng cơ sở pháp lý chuyên ngành.
Hai bên khẳng định mong muốn hoàn thiện cơ sở pháp lý song phương trong lĩnh vực tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm hình sự sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Lãnh đạo hai nước bày tỏ sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người bị nạn, tiến hành diễn tập và huấn luyện chung giữa các cơ quan cứu hộ.
8. Hai bên nhấn mạnh cần tận dụng tối đa các tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại, trước hết là về thương mại, đầu tư và tài chính-tín dụng, phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước, bảo đảm cân bằng cán cân thương mại và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu không cạnh tranh trên thị trường của nhau. Hai bên ủng hộ tổ chức đàm phán giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Việt Nam về các vấn đề tăng cường xuất khẩu, cũng như gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại song phương.
Hai bên thỏa thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, cùng các tiểu ban và tổ công tác nhằm xây dựng và triển khai kịp thời các dự án và chương trình hợp tác chung, trong đó có Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030 để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính trên cơ sở tính đến lợi ích của cả hai Bên.
Hai bên nhấn mạnh cần mở rộng và đa dạng các lĩnh vực đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư của Nga vào Việt Nam; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác trực tiếp, tận dụng tối đa các tiềm năng nhằm xây dựng và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy và năng lượng, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, công nghệ thông tin.
9. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp dầu khí, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng thông qua nâng cao hiệu quả các dự án năng lượng-dầu khí hiện có và thúc đẩy triển khai các dự án mới phù hợp với pháp luật và lợi ích chiến lược của mỗi nước, trong đó có việc Nga cung cấp, chế biến dầu thô và khí hóa lỏng cho Việt Nam.
Hai bên sẵn sàng nghiên cứu khả năng xây mới, hiện đại hóa các cơ sở điện năng hiện có. Lãnh đạo hai nước ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và các doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, Liên bang Nga và luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy nhanh dự án hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân ở Việt Nam cũng như đào tạo sinh viên Việt Nam tại các cơ sở giáo dục Liên bang Nga theo các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.
Hai bên nhấn mạnh cần thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Hai Bên nhất trí khẩn trương đàm phán và ký kết các hiệp định liên Chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm công nghệ tiên tiến và tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn hạt nhân và phóng xạ và vì lợi ích phát triển kinh tế-xã hội.
10. Việt Nam và Liên bang Nga thống nhất tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, giao thông-vận tải, đóng tàu và chế tạo máy, hiện đại hóa đường sắt, mở rộng các tuyến hành lang vận tải giữa hai nước để thúc đẩy giao thương và đầu tư.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Sergei Kudryashov, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Zarubezhneft của Nga.
Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, bao gồm tăng cường xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và đưa các sản phẩm nông nghiệp đến thị trường của nhau, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thành lập các cơ sở liên doanh sản xuất.
11. Hai bên khẳng định cùng quan tâm củng cố hợp tác về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, nhằm phục vụ tốt nhất cho công cuộc phát triển.
Hai bên nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác sẵn có trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số; thúc đẩy triển khai các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước; thống nhất lấy năm 2026 là Năm hợp tác khoa học và giáo dục.
Nhằm tiếp tục phát triển Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Liên bang Nga (Trung tâm Nhiệt đới), hai bên nhất trí hỗ trợ hoạt động, củng cố tiềm lực, bảo đảm hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam và Nga tại Trung tâm nhiệt đới ngang tầm khu vực và quốc tế. Hoan nghênh việc hai bên hoàn thành thủ tục để chuyển giao tàu nghiên cứu khoa học “Giáo sư Gagarinsky” cho Việt Nam; nhất trí thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới.
Hai bên ủng hộ tăng cường đào tạo nhân lực có trình độ cao, mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Việt-Nga, Mạng lưới các trường đại học Việt-Nga và Mạng lưới các đại học kinh tế Việt-Nga và phát triển quan hệ giữa các trường đại học nói chung. Phía Liên bang Nga bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam sử dụng hiệu quả số lượng học bổng cấp cho Việt Nam theo các chuyên ngành cần thiết cho phát triển kinh tế của Việt Nam.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh nghiên cứu, quảng bá và giảng dạy tiếng Việt tại Nga và tiếng Nga tại Việt Nam, bao gồm sử dụng tối đa tiềm năng của các cơ sở giáo dục hai nước; hoan nghênh việc thành lập cơ sở giáo dục chung "Trung tâm A. S. Puskin" thông qua việc tổ chức lại Phân viện tiếng Nga mang tên A. S. Puskin và nhất trí thúc đẩy việc sớm xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Nga và hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, cũng như thúc đẩy thành lập cơ sở giáo dục của Nga tại Việt Nam do Chính phủ Nga đầu tư xây dựng và quản lý phù hợp với pháp luật của hai nước.
12. Hai bên khẳng định sẵn sàng hỗ trợ mở rộng phối hợp nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự tích cực của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trên không gian thông tin toàn cầu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực báo chí, tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin không thân thiện của các bên thứ ba.
13. Hai bên hoan nghênh mở rộng hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giao lưu nhân văn, thường xuyên tổ chức các Ngày văn hóa hai nước trên cơ sở có đi có lại, duy trì tiếp xúc giữa các cơ quan thông tấn, lưu trữ, hội hữu nghị và các tổ chức xã hội khác; tăng cường hơn nữa hợp tác nhân văn; hai bên ủng hộ gìn giữ bản sắc dân tộc, đa dạng văn hóa-văn minh, và bảo tồn các giá trị truyền thống; ủng hộ mở rộng hơn nữa hợp tác du lịch, thông qua việc tăng số lượng các chuyến bay thẳng thường lệ và chuyến bay thuê chuyến giữa hai nước, cũng như đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin chứng kiến trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Nga về hợp tác y sinh.
14. Phía Việt Nam thông báo sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó có đào tạo nhân lực y tế và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, cũng như trao đổi nội dung về công nhận Giấy chứng nhận cho các loại dược phẩm sử dụng trong y tế được cấp bởi Liên bang Nga và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
15. Hai bên nhấn mạnh những đóng góp to lớn và tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Nga tại Việt Nam vào việc duy trì, phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên khẳng định sẵn sàng tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Nga và cho công dân Nga tại Việt Nam.
Những định hướng lớn về hợp tác trên trường quốc tế
16. Hai bên ủng hộ việc hình thành trật tự thế giới đa cực công bằng và bền vững, trên cơ sở các quốc gia tuân thủ đầy đủ và không tách rời các quy định và nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi để mở rộng cơ hội cho các quốc gia và các tổ chức phát triển tự do và thành công, triển khai hợp tác quốc tế cùng có lợi, công bằng và tôn trọng lẫn nhau.
17. Hai bên nhất trí khẳng định mọi quốc gia có quyền tự quyết định mô hình phát triển, thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phù hợp với điều kiện đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Hai Bên không ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương không phù hợp với luật pháp quốc tế và không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, cũng như sự chia rẽ dựa trên ý thức hệ.
18. Hai bên ủng hộ nỗ lực nhằm xây dựng ở lục địa Á-Âu một cấu trúc an ninh dựa trên nguyên tắc bình đẳng và không chia tách, bảo đảm hòa bình, ổn định và sự phát triển của tất cả các quốc gia tại lục địa này. Để đạt mục tiêu trên, hai bên kêu gọi củng cố hợp tác song phương và đa phương thông qua đối thoại và phối hợp hành động.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga.
19. Hai bên khẳng định nhất quán kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai, được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như phản đối mọi mưu toan làm sai lệch và xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai; khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn lịch sử, gìn giữ ký ức về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, kiên quyết lên án các hành động tôn vinh, nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa phátxít và quân phiệt.
20. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, bao gồm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, không ủng hộ việc chính trị hóa hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác; ủng hộ vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, ủng hộ nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như dân chủ hóa và cải tổ Liên hợp quốc; khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế và các cơ quan chấp hành liên quan.
21. Hai bên khẳng định sẵn sàng thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, xung đột vũ trang, sản xuất và buôn bán trái phép chất ma túy, tranh chấp lãnh thổ, can thiệp lật đổ, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Nỗ lực bảo đảm an ninh thông tin, an ninh lương thực, cũng như triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030.
22. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh công nghệ thông tin và truyền thông, sẵn sàng hợp tác ứng phó với các nguy cơ trong lĩnh vực này, bao gồm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) như một phần công nghệ thông tin và truyền thông, ủng hộ hệ thống quản trị không gian mạng toàn cầu mang tính đa phương, dân chủ và minh bạch trên cơ sở bảo đảm an ninh thông tin và an toàn cho các mạng internet quốc gia; phát huy vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thảo luận các vấn đề an ninh thông tin quốc tế và quản trị toàn cầu về AI trong lĩnh vực dân sự; ủng hộ xây dựng quy chế pháp lý quốc tế về quản lý không gian thông tin và hoan nghênh Việt Nam tổ chức Lễ ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng tại Hà Nội vào năm 2025 và ủng hộ nỗ lực để Công ước có hiệu lực sớm nhất.
23. Hai bên tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tài trợ khủng bố quốc tế, tính đến vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy tăng cường vai trò chủ đạo của các quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt tri ân các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia Nga từng giúp đỡ Việt Nam.
24. Hai bên ủng hộ các nỗ lực quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, xây dựng thế giới không có vũ khí hủy diệt hàng loạt và an toàn cho tất cả; nhấn mạnh cần ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ và cần sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình, ủng hộ khởi động đàm phán về một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý quốc tế trên cơ sở Hiệp ước về ngăn ngừa triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ, dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các vật thể vũ trụ, cũng như ủng hộ thúc đẩy các sáng kiến về cam kết chính trị không triển khai trước vũ khí trong vũ trụ.
25. Hai bên khẳng định tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết với các mục tiêu, nguyên tắc và nội dung chính của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngày 9/5/1992 và Thỏa thuận Paris ngày 12/12/2015; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính nhằm triển khai các nỗ lực trên.
26. Hai bên tiếp tục hợp tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia của Việt Nam và Liên bang Nga. Phối hợp chặt chẽ nhằm đấu tranh với xu hướng chính trị hóa quyền con người, sử dụng vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.
27. Hai bên cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây dựng tại Châu Á-Thái Bình Dương một cấu trúc bao trùm, mở và minh bạch về an ninh bình đẳng, không chia tách và hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Hai bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối thoại ở khu vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Đảng "Nước Nga Công bằng-Những người yêu nước-Vì Sự thật" Sergey Mironov.
28. Hai bên khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của UNCLOS 1982, là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.
Hai bên nhất trí phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và thương mại, ủng hộ kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Liên bang Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh các nỗ lực nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
29. Liên bang Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực tại Châu Á-Thái Bình Dương, đề cao giá trị và nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á ngày 24/2/1976, Việt Nam và Liên bang Nga tham gia tích cực, xây dựng và phối hợp hành động tại các cơ chế hợp tác do ASEAN là trung tâm như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, tiếp tục ủng hộ các sáng kiến do các nước đưa ra trong khuôn khổ các cơ chế này và hai bên cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Nga, thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và cùng có lợi, bao gồm trong các lĩnh vực hai Bên có thế mạnh và nhiều tiềm năng như công nghệ thông tin và truyền thông, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai Kế hoạch Hành động tổng thể triển khai Đối tác Chiến lược ASEAN-Nga giai đoạn 2021-2025 và sớm xây dựng và thông qua văn kiện tương tự cho giai đoạn 2026-2030.
30. Hai bên ủng hộ tăng cường liên kết kinh tế khu vực và triển khai các sáng kiến kết nối liên khu vực, bao gồm dự án Đối tác Đại Á-Âu, cũng như tìm hiểu tiềm năng hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á-Âu; tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
31. Hai bên tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các cơ chế liên nghị viện khu vực (Hội đồng liên nghị viện ASEAN, Diễn đàn nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương, Đại Hội đồng nghị viện Châu Á) nhằm mục đích nâng cao vai trò của các cơ chế hợp tác này vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại Châu Á; tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mekong trên các lĩnh vực kinh tế, phát triển bền vững và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.
Hai bên dự định mở rộng hợp tác xây dựng và cùng có lợi trong khuôn khổ APEC như một cơ chế kinh tế chủ chốt ở Châu Á-Thái Bình Dương, vận hành trên cơ sở phi chính trị hóa và không phân biệt đối xử với trọng tâm là thúc đẩy và ủng hộ các sáng kiến chung, bao gồm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Chủ nhà APEC 2027.
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm hẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
32. Nga đánh giá cao lập trường cân bằng và khách quan của Việt Nam về vấn đề Ukraine, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc với sự đầy đủ, toàn vẹn và không tách rời của các nguyên tắc đó, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới; hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình bền vững cho xung đột Ukraine.
33. Hai bên cho rằng, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Liên bang Nga và tham dự Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Kết luận
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tin tưởng rằng, việc triển khai hiệu quả các định hướng lớn về quan hệ song phương và phối hợp hành động trên trường quốc tế đã được thông qua tại Tuyên bố chung này sẽ thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, tạo xung lực mới mạnh mẽ cho việc phát triển và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong giai đoạn lịch sử mới, vì sự phát triển và thịnh vượng của hai quốc gia, đáp ứng lợi ích lâu dài của hai dân tộc, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.
Tổng Bí thư Tô Lâm cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin, các nhà lãnh đạo và nhân dân Nga đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đồng thời mời Tổng thống Liên bang Nga thăm lại Việt Nam. Tổng thống Liên bang Nga đã trân trọng cảm ơn lời mời.
Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam trước sau như một coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus; mong muốn tăng cường hợp tác giữa 2 nước trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai nước.