16/05/2025 12:10
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đại diện cơ quan soạn thảo văn bản; đại diện HĐND tỉnh, các Hội đồng tư vấn UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây trình bày nội dung dự thảo Nghị quyết.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Xây trình bày nội dung dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết nhằm quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật về nhà ở, đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Đồng chí Lê Đình Trung, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường nêu ý kiến về bảo vệ môi trường trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Việc ban hành Nghị quyết cũng nhằm cụ thể hóa Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Đồng chí Trương Văn Toàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thảo luận dự thảo Nghị quyết.
Tại hội nghị, có 11 lượt ý kiến tham gia phản biện. Các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung, như: cơ chế đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án, bảo đảm sự đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài dự án; đề xuất tạm dừng ban hành Nghị quyết để điều chỉnh phù hợp trên phạm vi toàn tỉnh sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Đồng thời, đặt vấn đề về tính khả thi của công tác phát triển nhà ở xã hội nếu không ban hành Nghị quyết trong thời điểm hiện tại.
Đồng chí Trần Minh Tuấn, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật thảo luận tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp, lâu dài trong bối cảnh địa phương đang thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề xuất tạm dừng việc ban hành Nghị quyết tại thời điểm này.
Sau khi hoàn tất sáp nhập, Nghị quyết sẽ được điều chỉnh và ban hành nhằm bảo đảm hiệu quả trong thực tiễn triển khai. Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến gửi đơn vị soạn thảo để điều chỉnh, bổ sung nội dung Nghị quyết.
* Lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Cùng ngày, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại biểu về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Võ Duy Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh đóng góp sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng thuộc MTTQ Việt Nam.
Các ý kiến góp ý cụ thể về việc thu gọn đầu mối tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng thuộc MTTQ Việt Nam. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quyền chất vấn đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Đồng chí Võ Thị thu Oanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, tại Điều 1, khoản 8 (đóng góp khoản 2 Điều 115), đề xuất sửa đổi như sau: “2. Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đúng đầu cơ quan thuộc UBND; riêng đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thêm quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.
Đồng chí Hoàng Văn Tâm, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế đóng góp tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013.
Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: các đại biểu đã nghiên cứu kỹ và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng. Hầu hết các đại biểu đồng tình, thống nhất cao về sự cần thiết, nội dung và phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Việc sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tinh gọn bộ máy hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, hướng tới mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp phù hợp với thực tiễn.
Qua hội nghị, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò đại diện tiếng nói của Nhân dân, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự đồng thuận và phát triển bền vững trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước.
Tin, ảnh: SƠN TUYỀN
Tại phiên thảo luận sáng 16/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã phát biểu góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.