• Tiếng Việt
  • ភាសាខ្មែរ
Chủ Nhật, ngày 18/05/2025
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
Báo Trà Vinh
  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm

Trang chủ Chính trị

Lời Bác dạy, học suốt đời chưa đủ

18/05/2025 09:47

Không phải ngẫu nhiên, trong các bài viết, những dịp nói chuyện với cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn, trước hết phải “đối với tự mình” cho đúng. Đó là trải nghiệm của chính Người và sự đúc kết từ lẽ sống của dân tộc ta cũng như tri thức nhân loại. Đối với tự mình không đúng, thì không thể vượt qua được cái tôi “trong một tà áo đẹp”, sẽ chùn bước trước khó khăn và bị cuộc sống bỏ lại phía sau. Ai biết vượt lên chính mình sẽ là người làm nên những việc có ích cho gia đình, xã hội và đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đoàn viên, thanh niên là Chiến sĩ Thi đua dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ ba (Hà Nội năm 1962).

 

Trong cuộc sống, luôn có hai thứ mà con người phải đối mặt, đó là khó khăn, thách thức từ bên ngoài; là ham muốn tầm thường nảy sinh trong mỗi con người. Vượt qua được hoàn cảnh đã khó, vượt qua chính mình còn cam go gấp bội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi thói hư tật xấu là thứ “giặc trong lòng”, “gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”. Ai biết tránh xa những thứ đó, mới nên người.

Vượt lên chính mình

Vượt lên chính mình là câu chuyện không dễ. Nhưng với nhiều người nó lại trở thành động lực, truyền cảm hứng cho bao người khác. Ở Việt Nam, ai cũng kính phục cố nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022). Bị bệnh và liệt cả hai tay từ năm lên bốn tuổi, nhưng ông đã vượt lên số phận, luyện đôi chân thay cho bàn tay và trở thành Nhà giáo Ưu tú. Nối tiếp thầy Ký là cô giáo trẻ Lê Thị Thắm, sinh năm 1998, quê Thanh Hóa, người không may mắn khi sinh ra không có hai cánh tay, nhưng cô đã tập viết bằng chân, tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, trở về quê nhà mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em. Cô được UBND tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng đặc cách làm giáo viên tại Trường tiểu học và trung học cơ sở quê hương cô.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh đất nước đen tối lúc bấy giờ đã truyền cảm hứng cách mạng cho cả dân tộc “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật, H. 2011, T1, tr. 28). Chính sự ham muốn ấy đã thôi thúc Người ra đi tìm ra con đường cứu nước, cứu dân; đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; thành lập, rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo cách mạng nước nhà tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Người là hiện thân của ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, truyền niềm tin và sức mạnh cho cả dân tộc làm thay đổi vận mệnh của mình, từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ tương lai. Song cũng chính Người đã sớm nhận ra và cảnh báo những thói hư tật xấu trong mỗi con người nếu không vượt qua được sẽ dễ bị gục ngã. Bài viết đầu tiên in trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người nói về Tư cách người cách mạng và đưa ra 14 yêu cầu đối với tự mình, như phải cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, cả quyết sửa lỗi mình,... Sau này, Người thường xuyên lưu ý cán bộ, đảng viên phải giữ cho vững tư cách người cách mạng trong mọi hoàn cảnh bằng cách quét cho sạch chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra tham ô hủ hóa, trục lợi cá nhân, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, độc đoán chuyên quyền, quan liêu hách dịch. Lời căn dặn của Người ngày nay càng thấy rõ giá trị.

Chớ để gục ngã vì cái tôi

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực những năm qua đã để lại dấu ấn sâu sắc. Như một căn bệnh trầm kha, nhưng tham nhũng, tiêu cực đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Song, nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao vẫn “thấy hơi đồng là mê”, làm liều, nhận hối lộ trắng trợn. Thật đáng buồn là phần lớn số cán bộ để “tay nhúng chàm” lại là người được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, lý luận, từng trải, được Đảng tin tưởng giao trọng trách nhưng đã gục ngã vì cái tôi tham lam.

Điển hình là Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, đã 253 lần nhận 42,6 tỷ đồng trong vụ “chuyến bay giải cứu” do đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu. Chỉ trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan, cơ quan chức năng đã truy tố 41 bị can, trong đó có chín cựu lãnh đạo, quan chức các tỉnh về tội “Nhận hối lộ”. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, từ các cựu: Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến cựu Phó Chủ tịch tỉnh, các cựu Phó Giám đốc một số sở đều bị cáo buộc nhận hối lộ. Ngoài ra còn có một số cựu lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Thọ cũng bị truy tố. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng và một triệu USD từ Nguyễn Văn Hậu (Hậu “Pháo”) để tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án. Theo kết luận điều tra, có lần bà Lan gọi Hậu “Pháo” đến nhà riêng và nói “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị một triệu USD” và giơ ngón trỏ bàn tay phải ra, cho nên mới có chuyện “ngón tay triệu đô” lan truyền trên mạng và mong muốn phải chặt đứt ngón tay dơ bẩn này.

Vì cái tôi mà không ít cán bộ từng được xã hội tôn vinh nhưng đã tự đánh mất danh dự bản thân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng bị kết tội trong bốn vụ án, với hơn 13 năm tù giam. Ông cũng như nhiều bị cáo khác đều đau xót vì ngoài bản án của tòa, còn có một bản án lương tâm ám ảnh đến hết đời.

Cán bộ, đảng viên cũng là con người, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng “mỗi lần vấp là mỗi lần bớt dại”, ngã ở đâu đứng lên đi ở đó. Đừng có tham lam, bởi tiền bạc nhiều mà làm gì, đến lúc chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ như vậy. Khi đất nước đang bộn bề công việc, đọc lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy thấm thía, biết vượt qua chính mình là vinh dự, biết hy sinh vì mọi người là an lành và hạnh phúc.

BẮC VĂN

TIN CÙNG MỤC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn tất việc cho ý kiến 7 nội dung quan trọng tại Phiên họp 45

Quốc hội chốt 44.000 tỷ đồng trả chế độ cán bộ nghỉ việc, 6.623 tỷ để miễn học phí

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2025, chốt phân bổ 44.000 tỷ đồng chi chế độ cho cán bộ nghỉ sau tinh gọn, và 6.623 tỷ đồng để miễn học phí.

  • Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
  • TRỰC TIẾP: Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị
  • Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Quà tặng công đoàn - gắn kết người lao động
Tin Nổi Bật

Tiểu Cần: Tiếp tục lan tỏa phong trào học tập và làm theo Bác

Xứng danh Cháu ngoan Bác Hồ

TRỰC TIẾP: Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Quà tặng công đoàn - gắn kết người lao động

Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh báo công dâng Bác

Ra quân vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Trên 200 vận động viên tham gia Giải thể thao trong đoàn viên công đoàn UBND tỉnh

  • Thời sự
  • Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao
  • An ninh - Quốc phòng
  • Pháp luật - Bạn đọc
  • Quốc tế
  • Thông Tin - Dịch Vụ - Việc Làm
  • Cơ quan chủ quản: TỈNH ỦY TRÀ VINH
  • Tổng Biên tập: TRẦN VĂN PHƯƠNG,
  • Phó Tổng biên tập: SƠN HÙNG
  • Tòa soạn: Số 17 Lê Lợi, Phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
  • Điện thoại: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Email: phongbandocbtv@gmail.com
  • © 2020 Bản quyền thuộc về Báo Trà Vinh
  • Liên hệ quảng cáo: 02943.852549;  Fax: 02943.852638
  • Giấy phép số 454/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 20/7/2021.
  • Chỉ được sao chép, phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Báo.