08/05/2025 08:16
Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 07/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Với tư duy đổi mới, góc nhìn thực tiễn và trách nhiệm lập pháp cao, các đại biểu đã tập trung làm rõ những bất cập trong dự thảo hiện hành, đồng thời kiến nghị cụ thể về việc bảo vệ người lao động yếu thế, thích ứng với chuyển đổi số, tăng cường tính minh bạch trong quản lý thông tin, và nâng cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo kỹ năng nghề.
Khái niệm “việc làm công” còn thiếu rõ ràng: Nguy cơ gây nhầm lẫn và thiệt thòi cho người lao động
Tại Điều 2, Khoản 5, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đưa ra định nghĩa: “Việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn cấp xã”.
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, định nghĩa này hiện vẫn còn quá chung chung và thiếu các tiêu chí cụ thể để xác định: “Tạm thời” là bao lâu? Có thể hiểu theo ngày, theo tháng, hay phụ thuộc vào chu kỳ triển khai dự án? Không có thời gian cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc kéo dài vô thời hạn, gây bất lợi cho người lao động trong việc tiếp cận các chế độ an sinh. “Có trả công” - nhưng mức trả công cụ thể như thế nào? Có bắt buộc phải tuân thủ mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định không? Người lao động có được đóng bảo hiểm xã hội, y tế không? Họ có quyền nghỉ phép, nghỉ lễ như người lao động thông thường? Phân biệt như thế nào với “lao động thời vụ” đã được quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành? Nếu không làm rõ, có thể dẫn đến việc lạm dụng mô hình “việc làm công” để né tránh trách nhiệm pháp lý, giảm nghĩa vụ chi trả bảo hiểm và các quyền lợi khác.
Đại biểu Thạch Phước Bình. Ảnh: media.quochoi.vn
Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đã kiến nghị cụ thể: (1) Bổ sung giới hạn thời gian cho khái niệm “tạm thời”: Cần quy định rõ ràng rằng việc làm công không kéo dài quá một thời gian nhất định - ví dụ không quá 6 tháng hoặc không vượt quá chu kỳ triển khai của dự án có sử dụng ngân sách nhà nước. (2) Cam kết trả công không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng: Dù là việc làm ngắn hạn, nhưng người lao động vẫn cần được đảm bảo thu nhập phù hợp với mức sống tối thiểu, đúng theo các nguyên tắc pháp luật lao động. (3) Bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội: Cần quy định rõ việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và chế độ nghỉ ngơi phù hợp cho người lao động trong diện “việc làm công”. (4) Phân biệt rõ ràng với “lao động thời vụ”: Cần đưa ra các tiêu chí pháp lý rõ ràng để phân biệt hai hình thức này, tránh việc các bên sử dụng khái niệm “việc làm công” để né tránh các nghĩa vụ pháp lý trong hợp đồng lao động.
Mở rộng chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế là tích cực - nhưng cần làm rõ
Tại khoản 4, Điều 4 của Dự thảo Luật, Nhà nước khẳng định chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động thuộc các nhóm yếu thế như: người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người từng chấp hành xong án tù hoặc các biện pháp giáo dục bắt buộc. Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá quy định này có ý nghĩa xã hội tích cực, thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp về việc làm, góp phần thúc đẩy hòa nhập, giảm bất bình đẳng và xóa bỏ rào cản kỳ thị trong tuyển dụng.
Tuy nhiên, dự thảo có đề cập đến cụm từ: “… sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” nhưng lại không làm rõ nội hàm, đối tượng bị ảnh hưởng, hay chính sách kèm theo. Câu hỏi đặt ra là: Người lao động bị cắt giảm do tinh gọn bộ máy có được ưu tiên tái bố trí, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp không? Ai là người chịu trách nhiệm tổ chức hỗ trợ? Có cơ chế nào đảm bảo người lao động không bị "ra rìa" trong quá trình cải cách hành chính? Từ đó, đại biểu kiến nghị dự thảo Luật cần quy định rõ: “Hỗ trợ chuyển đổi nghề, đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị” để tránh bỏ sót một nhóm lao động bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng chưa được đề cập cụ thể trong luật.
Bổ sung chính sách cho nhóm lao động mất việc do chuyển đổi công nghệ, AI, robot
Một vấn đề quan trọng khác mà ĐBQH Thạch Phước Bình nêu ra là dự thảo luật chưa bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ - đặc biệt là tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), robot, và tự động hóa lên thị trường lao động. Thực tế đã ghi nhận một bộ phận lao động bị mất việc vì công việc của họ đã được thay thế bởi máy móc hoặc hệ thống tự động. Tuy nhiên, trong khi nhóm này dễ bị tổn thương thì chính sách hỗ trợ lại đang bỏ ngỏ. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung riêng một khoản quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong: “Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do chuyển đổi công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, nhằm đảm bảo khả năng thích ứng và chuyển đổi việc làm”. Lồng ghép nội dung này với các chương trình chuyển đổi số quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn mới.
Tăng cường chế tài bảo vệ dữ liệu người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số
Tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật đã có bước tiến khi đưa vào quy định cấm: “Khai thác, chia sẻ, mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về người lao động…”. Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình quy định mang tính ngăn chặn là chưa đủ nếu thiếu chế tài thực thi. Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của nền kinh tế dữ liệu, thông tin cá nhân - đặc biệt là thông tin về việc làm, hồ sơ tuyển dụng, tiền lương - đang trở thành mục tiêu khai thác thương mại của nhiều tổ chức môi giới việc làm hoặc các nền tảng công nghệ. Nguy cơ hiện hữu là dữ liệu bị rò rỉ, buôn bán, sử dụng để phân biệt đối xử, tuyển dụng sai lệch, hoặc thao túng thông tin. Không có cơ chế răn đe đủ mạnh sẽ khiến quy định “nghiêm cấm” không có hiệu lực thực tế. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung ngay tại Điều 5 hoặc dẫn chiếu sang điều luật khác trong Dự thảo nội dung: “Các hành vi vi phạm khoản này sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các luật liên quan khác”. Đồng thời, giao giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hướng dẫn về bảo mật dữ liệu việc làm, phân quyền truy cập và mã hóa và lưu trữ dữ liệu đúng quy chuẩn.
Vốn vay tạo việc làm - cần kiểm soát chặt chẽ và phòng ngừa rủi ro
Các Điều 9 và 10 của dự thảo luật đề cập chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài - đây là các công cụ rất quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy di cư lao động có tổ chức. Tuy nhiên, theo ĐBQH Thạch Phước Bình, dự thảo mới chỉ dừng ở điều kiện được vay, chưa có quy định rõ về giám sát sử dụng vốn sau khi giải ngân - một lỗ hổng nghiêm trọng có thể dẫn đến vốn vay bị sử dụng sai mục đích, không tạo ra việc làm thực chất, gia tăng “nợ xấu” trong hệ thống tín dụng chính sách. Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung nọi dung: Người vay vốn phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm. Tổ chức cho vay (như Ngân hàng Chính sách xã hội) có quyền tạm dừng giải ngân, thu hồi vốn hoặc xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện sử dụng sai mục đích. UBND cấp xã/phường phải được phân công vai trò giám sát trực tiếp, phối hợp với hệ thống ngân hàng và áp dụng nền tảng công nghệ số để cập nhật tiến độ, đánh giá kết quả đầu tư vốn.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài bằng nguồn vay vốn mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro: bị chấm dứt hợp đồng sớm, tai nạn lao động, dịch bệnh, hoặc không được trả lương như cam kết. Dự thảo luật hiện chưa có cơ chế xử lý rủi ro phù hợp, khiến người lao động dễ bị đẩy vào vòng xoáy nợ nần khi rủi ro xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung nôi dung: Trường hợp không hoàn thành hợp đồng do nguyên nhân khách quan, người lao động được xem xét giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc hỗ trợ từ Quỹ việc làm. Thành lập Quỹ bảo lãnh rủi ro cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng và quản lý.
Phát triển kỹ năng nghề: Cần kết nối nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước
Từ Điều 23 đến Điều 27, Dự thảo Luật Việc làm có đề cập hệ thống kỹ năng nghề, nhưng theo đại biểu Thạch Phước Bình, vẫn còn nặng về mặt hành chính, thiếu tính thực tiễn và ràng buộc trách nhiệm phối hợp giữa các bên liên quan. Hiện nay, khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn sản xuất còn lớn. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại thiếu nhân lực kỹ thuật đã qua đào tạo. Nguyên nhân một phần là do thiếu mô hình hợp tác chặt chẽ trong xây dựng chương trình, tổ chức thực tập và đánh giá kỹ năng nghề. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung quy định rõ ràng: Nhà nước khuyến khích và thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trên 300 lao động cần phối hợp với ít nhất một trường nghề để triển khai đào tạo theo mô hình kép - tức vừa học, vừa làm. Bộ Nội vụ cần chủ trì cập nhật tiêu chuẩn kỹ năng nghề ít nhất 3 năm/lần, có thể sớm hơn nếu xuất hiện công nghệ, quy trình sản xuất mới. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cần tham chiếu hệ thống quốc tế như ISCO/ESCO, hướng tới hội nhập khu vực ASEAN và toàn cầu.
Mức trợ cấp thất nghiệp 60% là chưa đủ - cần nâng lên ít nhất 65%
Điều 41 của Dự thảo quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức này tuy có tính đến yếu tố chia sẻ quỹ, nhưng theo đại biểu Thạch Phước Bình, không đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu trong điều kiện người lao động mất hoàn toàn thu nhập, đặc biệt là khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, khi dịch bệnh, thiên tai làm giảm khả năng tìm kiếm việc làm mới, khi người lao động là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình. Tham chiếu khung tiêu chuẩn quốc tế cho thấy, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị mức hưởng lý tưởng từ 65 - 75% thu nhập bình quân. Nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp dụng mức 66- 70%, giúp người lao động có thời gian phục hồi, tìm kiếm việc làm mới mà không bị đẩy vào khó khăn kinh tế ngay lập tức. Từ đó, kiến nghị sửa đổi cụ thể theo hướng: “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối thiểu bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn, Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên đến tối đa 75%”. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế điều chỉnh linh hoạt gắn với tình hình kinh tế - xã hội (căn cứ theo GDP, chỉ số thất nghiệp quốc gia), giúp chính sách kịp thời thích ứng với các biến động lớn.
Hỗ trợ đào tạo lại lao động: Nhận diện đúng “thất nghiệp do AI”
Điều 44 trong Dự thảo hiện mới chỉ tập trung vào lý do truyền thống như thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc thiên tai. Trong khi đó, thất nghiệp cơ cấu do chuyển đổi số và tự động hóa đang ngày càng phổ biến. Nhiều ngành nghề bị thay thế bởi máy móc, phần mềm, AI, người lao động mất việc không phải do doanh nghiệp sa thải mà vì kỹ năng của họ không còn phù hợp, không có hỗ trợ đào tạo lại, họ sẽ trở thành nhóm “không thể tái gia nhập thị trường lao động”. Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung chính sách rõ ràng: “Người sử dụng lao động được ưu tiên hỗ trợ khi có kế hoạch đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo hoặc thay đổi mô hình kinh doanh”. Quan trọng hơn, cần gắn chính sách này với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia và Chương trình phát triển nguồn nhân lực 4.0, bảo đảm sự đồng bộ giữa chính sách an sinh - đào tạo - phát triển kinh tế số, khả năng dự báo, thích ứng dài hạn của lực lượng lao động Việt Nam và giảm thiểu chi phí xã hội từ thất nghiệp kéo dài và mất cân đối lao động - việc làm.
Thiếu cập nhật thường xuyên và liên thông dữ liệu- “nút thắt” lớn trong thực thi chính sách
Các Điều 20 - 22 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có đề cập vai trò của Bộ Nội vụ trong quản lý thông tin thị trường lao động. Tuy nhiên, theo ĐBQH Thạch Phước Bình, vẫn thiếu rõ ràng ở ba điểm mấu chốt: (1) Chưa xác định đơn vị chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu thường xuyên, (2) Chưa quy định rõ tần suất cập nhật dữ liệu (theo tháng, quý, năm), (3) Chưa có cơ chế kết nối liên ngành giữa hệ thống dữ liệu việc làm với cơ sở dữ liệu dân cư, giáo dục, bảo hiểm, và thuế. Thực trạng hiện nay dữ liệu phân tán giữa các bộ, ngành (Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội, Tổng cục Thống kê…). Nhiều cơ sở dữ liệu chưa số hóa, hoặc số hóa nhưng không chia sẻ được. Việc phân tích xu hướng thị trường lao động còn phụ thuộc thủ công, thiếu hệ thống AI hoặc phân tích dữ liệu lớn (big data)
Trên cơ sở đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đã kiến nghị một loạt giải pháp thiết thực để nâng tầm hệ thống dữ liệu thị trường lao động thành một công cụ quản trị hiện đại, chính xác và thời gian thực (real-time). Theo đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về việc làm có trách nhiệm cập nhật dữ liệu thị trường lao động tối thiểu mỗi quý, tổng hợp và công bố báo cáo tình hình lao động định kỳ 6 tháng/lần”. “Cơ sở dữ liệu thị trường lao động phải được kết nối, đồng bộ và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu dân cư, thuế, bảo hiểm, giáo dục nghề nghiệp để tăng độ chính xác và tính thời gian thực”. Việc này sẽ cải thiện năng lực dự báo thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng đúng người - đúng kỹ năng; giúp người lao động được định hướng nghề nghiệp sát nhu cầu thị trường và giảm tình trạng “thừa - thiếu” lao động cục bộ hoặc mất cân đối cung- cầu lao động.
Một vấn đề quan trọng khác được ĐBQH Thạch Phước Bình nhấn mạnh là quyền bảo mật và kiểm soát thông tin cá nhân của người lao động hiện chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo luật. Trong thời đại số, khi dữ liệu trở thành tài sản, việc đảm bảo quyền riêng tư của người lao động không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là yêu cầu đạo đức và quản trị công hiện đại. Từ đó, kiến nghị bổ sung quy định cụ thể: “Tổ chức quản lý hệ thống thông tin thị trường lao động có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân của người lao động theo Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”. “Người lao động có quyền tra cứu, yêu cầu chỉnh sửa, hoặc rút lại thông tin cá nhân trong hệ thống dữ liệu thị trường lao động”. “Thiết lập quy chế phân quyền truy cập dữ liệu, tránh việc tổ chức môi giới việc làm tư nhân hoặc các tổ chức thương mại khai thác thông tin trái phép.”
Báo Trà Vinh Online
Nhân Tháng công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2025, ngày 08/5, đồng chí Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, phối hợp cùng LĐLĐ huyện Trà Cú thăm, tặng 550 phần quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Trà Cú.