01/04/2024 15:38
Trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng. (Ảnh TTXVN)
Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng, sinh ngày 2/4/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo tại thôn Ðông, xã Ðoàn Lâm, tổng Ðoàn Lâm (nay là thôn Ðông, xã Thanh Tùng) huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ðồng chí là đảng viên thế hệ đầu tiên thời kỳ vận động thành lập Ðảng; nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã được Ðảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945), Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952), Ðại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1957), Trưởng ban Kiểm tra Trung ương (1955-1969), Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1965), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1969-1976), Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976-1979).
Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, đồng chí đã được Ðảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
1. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản tiên phong thời dựng Ðảng, suốt đời kiên trung với Ðảng, với lý tưởng cách mạng
Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm tham gia hoạt động cách mạng, trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1925, tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Sau khi hoàn thành khóa học, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xung phong về nước hoạt động và có đóng góp quan trọng trong việc thiết lập đường dây liên lạc ở trong nước với nước ngoài; đưa thanh niên trong nước ra nước ngoài học tập, đồng thời chuyển tài liệu, sách báo từ nước ngoài về nước, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của tổ chức, tháng 10/1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Sài Gòn hoạt động, có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, góp phần đẩy nhanh quá trình vận động, thành lập các tổ chức cộng sản, làm tiền đề cho sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 12/1928, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở ra Hải Phòng hoạt động, tham gia nhiệm vụ bảo vệ Thành bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Sau đó, đồng chí được Tổng bộ Thanh niên giao nhiệm vụ phụ trách công tác giao thông liên lạc giữa Hồng Công và Quảng Châu (Trung Quốc).
Sau khi được kết nạp vào An Nam Cộng sản Ðảng (10/1929), đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ đi Thượng Hải xây dựng cơ sở cách mạng trong Việt kiều và binh lính người Việt Nam. Với sự nhiệt huyết, năng động, gần gũi, đồng cảm với kiều bào, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự giúp đỡ của các đồng chí trong Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã vận động được nhiều công nhân, binh lính; thúc đẩy việc hình thành các tổ chức đầu tiên của công nhân và binh lính người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài, như: Hội tương tế, Hội binh lính, báo Kèn gọi lính...
Khi bị địch bắt và đày ải trong những nhà tù đế quốc từ nhà giam Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đến nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống cực hình, phản đối chế độ lao tù hà khắc. Mặc dù kẻ địch dùng mọi thủ đoạn thâm độc, từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản, cùng với đồng chí mình "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Ðồng chí đã quyết tâm, anh dũng hai lần vượt ngục thành công để trở về với Ðảng, với cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Nguyễn Lương Bằng với bản lĩnh can trường, niềm tin sắt đá vào mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, của cách mạng, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.
2. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng - Nhà lãnh đạo tài năng của Ðảng và cách mạng Việt Nam
Là một trong số những người khai sơn, phá thạch thời dựng Ðảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi tiên phong trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mới của cách mạng. Ðược Ðảng tin tưởng giao phụ trách công tác tài chính của Ðảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ra sức chăm lo tổ chức các hoạt động tài chính, xây dựng chính sách tài chính đúng đắn, có nhiều sáng kiến để tạo nguồn, từng bước giải quyết được yêu cầu của tài chính Ðảng, chuẩn bị về mọi mặt những điều kiện cần thiết cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Tại Hội nghị toàn quốc của Ðảng (8/1945), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và tại Ðại hội Quốc dân Tân Trào (8/1945), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử tham gia phái đoàn đại diện của Trung ương Ðảng và Tổng bộ Việt Minh vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Ðại.
Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn của buổi đầu, khi chính quyền cách mạng vừa mới được thành lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Ðảng tin tưởng giao trọng trách Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, công tác kinh tế-tài chính của Ðảng đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hệ thống tổ chức bộ máy kinh tế-tài chính được xây dựng từ Trung ương đến các khu, tỉnh; nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về kinh tế-tài chính được triển khai thực hiện; xây dựng được những cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và phục vụ đời sống dân sinh; xây dựng được đội ngũ cán bộ tài chính của Ðảng có phẩm chất, năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính nước nhà.
Khi được Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, bằng kinh nghiệm đã có từ khi phụ trách kinh tế-tài chính của Ðảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dồn hết tâm lực vào việc xây dựng nền móng vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng. Với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí, ngành Ngân hàng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu xây dựng, hình thành hệ thống tổ chức, các nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng, ngân hàng kiểu mới của một quốc gia độc lập và tiến hành đấu tranh với địch trên mặt trận kinh tế-tài chính.
Trên cương vị Ðại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô từ năm 1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực góp phần vào việc làm cho các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, tạo điều kiện để hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đoàn kết, gắn bó. Với những hoạt động tích cực, hiệu quả của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Liên Xô đã từng bước được thiết lập, củng cố; trực tiếp góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực hiện nhiệm vụ là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương từ năm 1955, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra việc tuân thủ nghiêm kỷ luật Ðảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác cán bộ và chỉnh đốn tổ chức, vấn đề cải cách ruộng đất, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xác minh làm rõ những thắc mắc, oan sai liên quan đến thời gian bị tù đày của một số đồng chí cán bộ lãnh đạo các cấp. Ðồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền tảng lý luận về công tác kiểm tra và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, để lại những kinh nghiệm quý đối với công tác kiểm tra của Ðảng hiện nay.
Với trách nhiệm là Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ từ năm 1956, đồng chí đã chỉ đạo ngành Thanh tra tăng cường công tác, tập trung vào nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện kém tinh thần trách nhiệm, kém ý thức tổ chức kỷ luật, góp phần bảo đảm việc thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh và xây dựng chính quyền cách mạng, tạo niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Khi trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1969 và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có những đóng góp quan trọng trên nhiều mặt: tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước; chăm lo công tác xây dựng Ðảng; công tác đối ngoại; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang; phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
3. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng - tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, chứng kiến và hiểu rõ nỗi khổ cực của người dân mất nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã sớm hình thành tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với tinh thần tự lập vươn lên trong cuộc sống, bằng nghị lực phi thường, niềm tin sâu sắc vào con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ ra, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã từng bước trưởng thành từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản và nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam.
Ðồng chí đã được Ðảng tin tưởng giao phó thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, khó và chưa có tiền lệ của cách mạng, như: phụ trách công tác kinh tế-tài chính, công tác kiểm tra Ðảng, thanh tra Chính phủ. Ðồng chí luôn chấp hành sự phân công, điều động của Ðảng và trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng làm việc hết mình với tinh thần tự giác, tận tụy, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ðồng chí là nhà lãnh đạo mẫu mực trong việc sử dụng, đề bạt cán bộ đúng năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, để lại bài học sâu sắc đối với công tác cán bộ của Ðảng hiện nay.
Trong công việc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn kiên trì thực hiện những phương pháp công tác thích hợp, vừa bảo đảm nguyên tắc, vừa bảo đảm sự hài hòa trong xử lý các mối quan hệ, đặt lợi ích của Ðảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Ðồng chí thể hiện rõ phong cách của một nhà lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi, hòa mình với quần chúng, quan tâm, yêu thương con người và rất mực trong sáng, giản dị. Ðồng nghiệp, bạn bè đã dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng những tên gọi thân thương như đồng chí "Sao Ðỏ", "Anh Cả", coi đó là "biểu tượng của sự mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em".
Là người không màng danh lợi, luôn sống với thực tế đời sống của nhân dân, nên khi thành lập Chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Ðảng và Mặt trận Việt Minh đã tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Ðó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Ðó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học"(1).
Trọn cuộc đời đồng chí Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và dân tộc, "tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt"(2). Ðồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua quá trình không ngừng học tập, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn, trở thành một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần làm rạng danh và tô thắm hơn nữa truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương Hải Dương. Trên bước đường công tác, dù ở đâu, làm gì, đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm nồng ấm, thủy chung. Những lần về thăm, làm việc với Ðảng bộ và nhân dân Hải Dương, đồng chí luôn quan tâm nhắc nhở Ðảng bộ Hải Dương chú trọng công tác xây dựng Ðảng, phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đưa Hải Dương trở thành một tỉnh phát triển giàu mạnh. Ðồng chí là niềm tự hào của Ðảng bộ và nhân dân Hải Dương, làm rạng rỡ và tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.
Học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng, chúng ta càng có thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm, kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng cao cả do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối truyền lại, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.26.
(2) Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Lễ tang đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Báo Nhân Dân, ngày 24/7/1979.
Chiều ngày 02/11, Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 94 năm ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024). Đây là đơn vị được UBMTTQ Việt Nam tỉnh, huyện chọn làm điểm chỉ đạo tổ chức Ngày hội trên địa bàn huyện Cầu Kè.