03/05/2025 14:17
Bích họa trong Làng văn hóa dân tộc Khmer. Ảnh: BÁ THI
Gắn bó máu thịt với quê hương
Trà Vinh là vùng đất hội tụ đa dạng các sắc tộc, hiện có dân số khoảng 1.012.880 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 32%, tập trung chủ yếu tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần... Trải qua hàng trăm năm gắn bó, đồng bào Khmer đã không chỉ khai phá, định cư mà còn hun đúc nên mối liên kết bền chặt với đất đai, thiên nhiên, đóng góp quan trọng vào việc hình thành nên bản sắc văn hóa phong phú, đa sắc màu của vùng đất Trà Vinh.
Bản sắc văn hóa Khmer ở Trà Vinh được thể hiện sinh động qua tiếng nói, chữ viết, lễ hội, tập quán sinh hoạt và hơn 140 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer - những trung tâm tinh thần, tín ngưỡng, văn hóa đặc trưng của cộng đồng. Các giá trị truyền thống như Lễ hội Ok Om Bok, Lễ Sêne Đôlta, nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây, nghệ thuật múa Rô Băm... tiếp tục được bảo tồn, phát huy và lan tỏa trong đời sống hiện đại, vừa thể hiện bản sắc dân tộc, vừa đóng góp vào sự đa dạng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Một lòng vì độc lập dân tộc
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào Khmer Trà Vinh luôn một lòng son sắt, kề vai sát cánh cùng các dân tộc anh em, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Hàng ngàn lượt người Khmer tham gia lực lượng vũ trang, du kích địa phương, đảm nhận nhiệm vụ vận tải, hậu cần, phục vụ tiền tuyến. Nhiều vị sư sãi, Phật tử đã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào yêu nước, sử dụng chùa chiền làm cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia kháng chiến.
Năm 1966, tại Trà Vinh, hơn 20.000 người Kinh - Khmer - Hoa đã xuống đường biểu tình chống bắt sư sãi đi lính, chống luật tổng động viên, phản đối việc dùng vũ lực bắt 75 sư sãi lột áo cà sa mặc áo lính. Nhiều ngôi chùa Khmer tại Trà Vinh đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Các vị sư sãi đã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào yêu nước, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia kháng chiến.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tỉnh Trà Vinh đã huy động trên 180.000 lực lượng quần chúng Kinh - Khmer - Hoa nổi dậy đấu tranh chính trị và tham gia phục vụ chiến đấu. Trong đó, có trên 25.000 người ở thị xã Trà Vinh và 3.000 sư sãi. Ngày 29/11/1972, hơn 11.200 sư sãi và đồng bào Trà Vinh đã biểu tình đòi Mỹ - Ngụy ký hiệp định đã thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 17.000 liệt sĩ, gần 8.000 thương binh; trên 3.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm nghìn gia đình có công với cách mạng.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào Khmer tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế và xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng phát triển, đổi mới.
Những bước tiến vững chắc trên mọi lĩnh vực
Nhờ sự quan tâm, đầu tư kịp thời cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo nông thôn Trà Vinh không ngừng đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,87%; trong đó, hộ nghèo Khmer giảm xuống còn 1,46% (năm 2024). 100% xã được phủ điện lưới quốc gia; 99,42% hộ dân có điện sử dụng. Các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, hợp tác xã, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ, giúp hàng chục nghìn hộ dân Khmer nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu.
Công tác giáo dục - đào tạo trong đồng bào Khmer đạt nhiều thành tựu nổi bật. Toàn tỉnh có trên 75.000 học sinh Khmer, chiếm 35,33% tổng số học sinh. Mỗi năm, khoảng 2.500 sinh viên Khmer theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Duy trì việc dạy tiếng Khmer cho hơn 19.000 học sinh tại 121 điểm trường và 134 ngôi chùa Khmer. Xây dựng 08 trường phổ thông dân tộc nội trú và Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, tạo tiền đề vững chắc để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Đời sống y tế trong đồng bào Khmer không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 99,44%; riêng trong đồng bào Khmer là 57,9%. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe được mở rộng với 129 cơ sở y tế, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh tiếp tục được gìn giữ, phát huy mạnh mẽ. Tỉnh có 16 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh được công nhận. Ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Ok Om Bok, Nghệ thuật Chầm Riêng Chà Pây và Nghệ thuật Rô Băm. Dự án xây dựng Làng văn hóa dân tộc Khmer gắn với cụm di tích Ao Bà Om - Chùa Âng - Chùa Lò Gạch đang được triển khai, hứa hẹn trở thành điểm nhấn đặc sắc trong phát triển du lịch văn hóa.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer luôn được quan tâm sâu sắc. Ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên người Khmer đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tự tin vươn mình trong thời đại mới
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu rộng, thế hệ trẻ người Khmer Trà Vinh đang từng bước khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng vươn lên. Lực lượng thanh niên Khmer ngày càng năng động, chủ động tiếp cận công nghệ mới, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia mạnh mẽ vào xây dựng kinh tế số, phát triển du lịch, thương mại điện tử, dịch vụ hiện đại. Văn hóa Khmer không chỉ được bảo tồn nguyên vẹn mà còn được phát huy trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh Trà Vinh ra khắp cả nước và bạn bè quốc tế. Cộng đồng Khmer Trà Vinh hôm nay ngày càng tự tin khẳng định vị thế, bản sắc riêng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.
Khẳng định bản sắc, chung tay xây dựng quê hương
Hành trình 125 năm hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh, cùng 50 năm đồng hành với sự nghiệp thống nhất, xây dựng đất nước, đã chứng minh rằng: đồng bào Khmer Trà Vinh luôn là bộ phận máu thịt không thể tách rời, bền bỉ sát cánh cùng những thăng trầm và bước tiến của quê hương.
Phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn đã đạt được, đồng bào Khmer Trà Vinh hôm nay đang tiếp tục vững vàng bước vào thời kỳ mới: vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ nội lực, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong cộng đồng, cùng chung tay xây dựng quê hương Trà Vinh phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
KIẾN QUỐC
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), bên cạnh các lực lượng chủ chốt, có những "chiến binh" trên mặt trận thông tin đã góp phần lan tỏa hình ảnh của đại lễ đến với đông đảo người dân trong nước và nước ngoài.