10/04/2023 06:14
Hai quy định này tiếp tục thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc đổi mới, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản phù hợp với đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới.
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY ĐỊNH 100, QUY ĐỊNH 101
Việc xây dựng Quy định 100 và Quy định 101 xuất phát từ các lý do chính, quan trọng sau đây:
Một là, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mới ban hành.
Các căn cứ và quy định của Đảng, Nhà nước được nêu trong Quyết định số 75-QĐ/TW, ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư về “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí” (Quyết định 75) và Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư về “Quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản” (Quyết định 282) đã không còn phù hợp và được thay thế bằng các quy định mới. Đó là:
(1) Quyết định số 67-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị về việc phân cấp quản lý cán bộ được thay thế bởi Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, và hiện nay được thay thế bởi Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Kết luận số 08-KL/TW, ngày 15/6/2021 của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ;
(2) Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã được thay thế bởi Luật Báo chí năm 2016;
(3) Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008 đã được thay thế bởi Luật Xuất bản năm 2012;
(4) Các nghị định của Chính phủ (Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020 về tuổi nghỉ hưu; Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, ngày 02/8/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập…
Hai là, xuất phát từ những hạn chế, bất cập trong Quyết định số 75, Quyết định số 282 trong thời gian qua cần khắc phục.
Các nội dung trong Quyết định số 75 không thể áp dụng đầy đủ, thống nhất đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí trực thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… bởi những đối tượng trên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động.
Thực tế hiện nay, có một số tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa đề cao trách nhiệm trong quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; có xu thế thành lập các hội, viện nghiên cứu chỉ để xin cấp giấy phép hoạt động tạp chí, nên không có kinh phí bảo đảm cho hoạt động của tạp chí, buông lỏng quản lý để tạp chí tự hoạt động, tự trang trải chi phí và nuôi bộ máy; tùy tiện mở văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên ở nhiều tỉnh, thành phố gây ra nhiều phiền nhiễu, tiêu cực.
Hiện nay, các nhà xuất bản đang tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Tuy vậy, các nội dung trong Quyết định số 282 mới chỉ đề cập đến cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản hoạt động theo mô hình sự nghiệp công lập, chưa bao quát đến nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Hiện nay, cả nước có 15/57 nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.
Quyết định số 75 và Quyết định số 282 chưa có chế tài cụ thể xem xét, xử lý đối với các vi phạm của tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Tình trạng “báo hóa” tạp chí, “thương mại hóa” báo chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí diễn biến phức tạp. Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí chưa theo kịp sự phát triển của báo chí; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận người làm báo, người làm xuất bản bản…
Ba là, xuất phát từ thực tiễn đặt ra yêu cầu, trách nhiệm ngày càng cao đối với cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản. Đây cũng là cơ sở chính trị để sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản là rất cần thiết góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
NHỮNG NỘI DUNG MỚI PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Quá trình nghiên cứu xây dựng Quy định 100 và Quy định 101 được tổ chức công phu, khoa học và dựa trên những cơ sở\ khách quan, có sự tiếp thu ý kiến của nhiều bên liên quan. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức đoàn khảo sát, làm việc với một số cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản, cơ quan báo chí, nhà xuất bản; tổ chức tọa đàm chuyên gia, nhà khoa học. Những điểm mới, mấu chốt của Quy định 100, Quy định 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thay đổi hình thức văn bản từ thể loại Quyết định ban hành quy chế, quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản sang thể loại Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản cho phù hợp với tính chất, nội dung của văn bản và đúng tinh thần Quy định số 66-QĐ/TW, ngày 6/2/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về thể loại, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của Đảng.
Thứ hai, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý cán bộ nói chung; các văn bản quy định liên quan hoạt động báo chí, xuất bản mới được ban hành trong những năm qua để làm căn cứ ban hành Quy định mới.
Thứ ba, bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; bổ sung thêm một số quyền hạn, trách nhiệm đối với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản nhằm xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và căn cứ xem xét trách nhiệm của các cơ quan này trong công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản (trong thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm; các hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản…).
Thứ tư, về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật, phân tách thành hai nhóm đối tượng cơ quan báo chí, nhà xuất bản để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đối với nhóm lãnh đạo các cơ quan báo chí trực thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội: Thực hiện theo đúng các quy định đã ban hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù như: là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có trình độ lý luận chính trị cao cấp (2 tiêu chuẩn này, không áp dụng bắt buộc đối với lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo); có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí; có ít nhất 2 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Đối với nhóm lãnh đạo nhà xuất bản trực thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù như: là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có trình độ lý luận chính trị cao cấp; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về xuất bản; có ít nhất 2 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Với nhóm lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản không thuộc các đối tượng nêu trên:
Về điều kiện, tiêu chuẩn: Bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định chung của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên, xem xét đến một số quy định cụ thể:
Về độ tuổi bổ nhiệm: (1) Người đứng đầu cơ quan báo chí, xuất bản không đảm nhiệm chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. (2) Phải còn đủ thời gian để công tác ít nhất trọng 1 nhiệm kỳ (60 tháng) trở lên và tuổi tối đa giữ chức vụ lãnh đạo không quá 65 tuổi đối với nữ và 67 tuổi đối với nam. Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.
Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản không được kiêm giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản; lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản này không kiêm nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản khác. Quy định này để phân định rạch ròi giữa quyền hạn, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản với quyền hạn trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tránh trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; hạn chế lạm dụng, lợi dụng vị trí lãnh đạo để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, cấu kết, thao túng hoạt động báo chí, xuất bản.
Về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại: Xây dựng quy trình cụ thể cho đối tượng này, trong đó yêu cầu bảo đảm cơ bản thực hiện các bước theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm sự tham gia của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản; cơ quan chủ quản và cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan báo chí, xuất bản trong quá trình giới thiệu, xem xét, đề nghị và quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
Về miễn nhiệm: Bổ sung các căn cứ, quy trình thực hiện miễn nhiệm chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản khi lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà xuất bản không còn đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn; không còn đủ uy tín và có vi phạm đến mức độ phải xem xét miễn nhiệm.
Thứ năm, về khen thưởng. Tiếp tục kế thừa các nội dung của các quyết định trước đây và bổ sung thêm đối tượng được khen thưởng là cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo trong cơ quan chỉ đạo báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản, cơ quan chủ quản báo chí, nhà xuất bản.
Thứ sáu, về kỷ luật. Xác định rõ các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động báo chí, xuất bản để đưa ra hình thức xử lý kỷ luật về Đảng. Trước đây, chủ yếu căn cứ và các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật để xử lý về mặt Đảng.
Tuy nhiên, lần này bổ sung thêm các căn cứ vi phạm theo các định mới nhất của Đảng về xử lý vi phạm tổ chức đảng, đảng viên (Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ).
Bổ sung nhiều vi phạm mang tính chất đặc thù trong hoạt động báo chí, xuất bản chưa được điều chỉnh bởi các quy định đã có, như: chấp hành không nghiêm sự chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo báo chí, xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản; để xảy ra mất đoàn kết, có đơn, thư khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết hoặc chậm giải quyết để kéo dài quá quy định; buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao quyền quản lý, điều hành chuyên mục, chương trình, kênh chương trình liên kết trên thực tế cho phóng viên, nhóm phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết để lấy lợi ích…
Việc hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản là rất cần thiết góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà xuất bản có bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức để “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
TRẦN THANH LÂM
(Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)
Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng năm 2023 tăng gấp rưỡi lần so năm 2022, trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 06 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.