23/10/2024 16:58
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận có 17 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, trong đó, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham gia thảo luận dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 30/9/2024 là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta.
Qua quá trình nghiên cứu và phân tích dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình có một số góp ý chi tiết nhằm hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của Luật.
Thứ nhất, về khái niệm và định nghĩa di sản văn hóa. Theo đại biểu, dự thảo đã đưa ra các khái niệm rõ ràng về di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát và phù hợp với thực tiễn, tôi đề xuất làm rõ thêm khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền” (Điều 18). Tiêu chí để xác định nguy cơ mai một, thất truyền cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất, để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Thứ hai, về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa. Điều 5 dự thảo đã quy định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực bảo vệ di sản.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ ba, về trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa. Dự thảo đã thể hiện rõ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 7). Tuy nhiên, cần làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ di sản. Cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội, từ các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng, để tăng cường nguồn lực cho công tác này.
Thứ tư, về cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Điều 12 dự thảo Luật quy định về việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vào danh sách của UNESCO. Để nâng cao tính chủ động, tôi đề nghị quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng chủ thể để lập hồ sơ khoa học.
Ngoài ra, cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ với UNESCO và các tổ chức quốc tế khác để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung điều luật quy định về việc tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó có các Công ước, Hiến chương, Khuyến nghị về thu hồi các cổ vật bị tước đoạt, đánh cắp, xuất khẩu trái phép để làm cơ sở cho việc thành lập một tổ chức chuyên trách về nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ các cổ vật nước ta bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài đang nằm trong các bảo tàng, sưu tập tư nhân để chủ động đấu tranh thu hồi các cổ vật đó tránh việc bị thụ động như thời gian qua.
Thứ năm, về chuyển đổi số và số hóa di sản văn hóa. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc số hóa di sản văn hóa là một yêu cầu cấp thiết để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Dự thảo Luật đã đề cập đến việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản (Khoản 3, Điều 7).
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ, quản lý, và chia sẻ thông tin với các bên liên quan. Việc số hóa còn giúp tăng cường công tác quảng bá, giáo dục về di sản văn hóa đến công chúng, đồng thời góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc sử dụng di tích thực tế trong khai thác du lịch, giảm nguy cơ xâm hại di sản.
Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ sáu, về quy định liên quan đến di sản tư liệu. Dự thảo Luật đã đề cập tới di sản tư liệu như một phần quan trọng của di sản văn hóa (khoản 5, Điều 3), nhchưa nhấn mạnh vai trò của di sản tư liệu trong bối cảnh toàn cầu hóa. ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất cần có một điều khoản riêng quy định về bảo vệ, lưu trữ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO công nhận trong Chương trình ký ức thế giới. Cần thiết có thêm các quy định cụ thể về việc bảo vệ bản quyền, quyền tiếp cận và khai thác di sản tư liệu, nhất là trong bối cảnh số hóa, để đảm bảo việc sử dụng hợp pháp và tránh vi phạm bản quyền.
Thứ bảy, về việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số. Dự thảo đã quan tâm đến việc bảo vệ di sản của cộng đồng dân tộc thiểu số (khoản 3, Điều 7), nhưng cần có quy định cụ thể hơn về chính sách ưu tiên dành cho các nghệ nhân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số và các nhóm thiểu số có nguy cơ mất di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và “Nghệ nhân Ưu tú” (Điều 14) là hết sức cần thiết, nhưng đại biểu đề nghị cần kèm theo các chế độ hỗ trợ lâu dài về mặt tài chính, bảo hiểm, và y tế để khuyến khích nghệ nhân tiếp tục duy trì hoạt động trao truyền di sản.
KIẾN QUỐC
“Game show rung chuông vàng” là hình thức mới trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Công đoàn Khu Kinh tế, được đông đảo đoàn viên công đoàn, công nhân lao động hưởng ứng nhiệt tình.