16/05/2025 13:55
Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 14/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước tại Điều 4, dự thảo nêu định hướng phát triển năng lượng nguyên tử nhưng còn thiếu định hướng cụ thể về lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Việc không xác định rõ thứ tự ưu tiên sẽ dễ dẫn đến tình trạng dàn trải, phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả. Đại biểu đề nghị luật cần quy định rõ lộ trình ưu tiên theo mức độ phức tạp và rủi ro công nghệ, theo đó: (i) ưu tiên trước cho lĩnh vực y tế (chẩn đoán, điều trị ung thư...), (ii) tiếp theo là công nghiệp (chiếu xạ, kiểm tra chất lượng...), (iii) nghiên cứu và đào tạo, và cuối cùng là điện hạt nhân – lĩnh vực có tính chiến lược nhưng đòi hỏi điều kiện đặc biệt. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ công bố và cập nhật danh mục các lĩnh vực ưu tiên theo từng giai đoạn, làm căn cứ phân bổ ngân sách, xây dựng chính sách ưu đãi, chuyển giao công nghệ và khuyến khích xã hội hóa đầu tư.
Thứ hai, về hành vi bị nghiêm cấm, Điều 8 cần bổ sung hành vi: “Cố ý không báo cáo, trì hoãn hoặc báo cáo sai lệch thông tin về sự cố phóng xạ, hạt nhân”. Đại biểu dẫn chứng thực tiễn quốc tế cho thấy che giấu hoặc chậm công bố thông tin sự cố là yếu tố nghiêm trọng làm trầm trọng thêm hậu quả, điển hình như Chernobyl (1986), Fukushima (2011). Do đó, cần quy định trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu có nghĩa vụ báo cáo, nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ và tính minh bạch trong quản lý an toàn hạt nhân.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 15/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, Điều 11 mới dừng ở định hướng, chưa có chính sách cụ thể. Đại biểu kiến nghị bổ sung các chính sách mạnh để thu hút, đào tạo và giữ chân nhân lực chất lượng cao, như: (i) Học bổng toàn phần cho người học chuyên ngành năng lượng nguyên tử; Ưu tiên xét tuyển sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, nhà máy điện hạt nhân, với thời hạn xử lý hồ sơ tối đa 30 ngày; (ii) Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 3 năm đầu cho chuyên gia quốc tế ký hợp đồng làm việc tại Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh rằng nhân lực là yếu tố then chốt cho thành công của ngành năng lượng nguyên tử, đòi hỏi đầu tư bài bản và lâu dài.
Thứ tư, về cơ chế tài chính và bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, Điều 23 và 24 quy định nguyên tắc chung nhưng chưa cụ thể hóa cơ chế đảm bảo trách nhiệm tài chính. Đại biểu kiến nghị: (i) Bổ sung quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân thực hiện công việc bức xạ, vận hành thiết bị hạt nhân; (ii) Thành lập Quỹ Bảo đảm An toàn Hạt nhân để hỗ trợ chi trả phần thiệt hại vượt quá mức bảo hiểm hoặc khi chủ thể không đủ năng lực tài chính. Quỹ này có thể hình thành từ lệ phí, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Việc này không chỉ phù hợp với Công ước Vienna mà còn giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bảo vệ nạn nhân và thúc đẩy trách nhiệm quản trị rủi ro trong khu vực công – tư.
Thứ năm, về tham vấn cộng đồng địa phương, Điều 32 cần bổ sung quy định bắt buộc tổ chức tham vấn cộng đồng dân cư tại khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đại biểu đề xuất quy định rõ trách nhiệm tổ chức hội thảo, đối thoại trực tiếp, khảo sát xã hội học và lấy ý kiến bằng văn bản, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả tham vấn phải được gửi kèm hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Việc này phù hợp với tinh thần dân chủ cơ sở của Hiến pháp và Luật Đất đai, bảo đảm quyền được biết, được tham gia của người dân và phòng ngừa xung đột xã hội từ sớm.
Báo Trà Vinh Online
Tại phiên thảo luận sáng 16/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã phát biểu góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.