08/06/2023 14:52
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình.
Cùng tham gia đóng góp dự thảo Luật đồng chí Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật này. Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình tham gia một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Luật về chính sách nhà ở xã hội.
Về ý nghĩa của chính sách nhà ở xã hội, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc đưa ra các chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội là cần thiết, quan trọng nhằm đảm bảo quyền có nơi ở hợp pháp của mọi người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, có thu nhập thấp trong xã hội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng làm thế nào để giảm thiểu vấn đề “trục lợi chính sách” rất cần được đánh giá đầy đủ để có quy định phù hợp, phòng ngừa, hạn chế được các vi phạm có thể xảy ra và tăng cường được khả năng quản lý của Nhà nước.
Đối với khái niệm “nhà ở xã hội” tại khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này”. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cách giải thích thuật ngữ “nhà ở xã hội” là chưa đầy đủ. Để làm rõ nội hàm khái niệm, cần đặt trong mối quan hệ và so sánh với “nhà ở thương mại”, “nhà ở công vụ”. Khái niệm nhà ở nói chung và nhà ở thương mại, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội nói riêng cần được xây dựng theo tiêu chí là công trình để ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở thương mại, nhà ở công vụ và nhà ở xã hội có sự khác nhau là chủ thể được ở trong những ngôi nhà đó. Nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường (mua, thuê), nhà ở công vụ theo chế độ công vụ (thuê), còn nhà ở xã hội theo cơ chế ưu tiên, ưu đãi (mua, thuê).
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 73) là vấn đề được rất nhiều người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm. Qua các hội nghị lấy ý kiến của chuyên gia và nghiên cứu của bản thân cũng như thực tiễn cho thấy rằng việc phân chia các đối tượng được hỗ trợ về nhà ở tại Điều 73 dự thảo Luật chưa thật sự phù hợp khi có quá nhiều đối tượng được liệt kê và một số đối tượng có sự tương đồng như: đối tượng “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” (khoản 2) và “hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu” (khoản 3); đối tượng “hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị” (khoản 4) và “người thu nhập thấp tại khu vực đô thị” (khoản 5)... Việc phân chia như vậy tạo ra nhiều tầng nấc trong khi tiêu chí phân biệt chưa thật rõ ràng.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị: với những đối tượng có điểm tương đồng như nêu trên chỉ quy về một loại đối tượng. Chẳng hạn như người có thu nhập dưới ngưỡng bao nhiêu ở đô thị và dưới ngưỡng bao nhiêu ở nông thôn so với mức thu nhập trung bình. Cân nhắc bổ sung đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 75). Theo đó, đối với đối tượng “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” và “cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”, dự thảo Luật đang quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phải “thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” (điểm b khoản 1 Điều 75).
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị xem xét mở rộng phạm vi thu nhập, cũng như đối tượng được mua nhà ở xã hội. Bởi thực thực tế cho thấy có nhiều trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn chưa thể đủ tiền mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố, thị xã của tỉnh lỵ…
Ngoài ra, cần làm rõ đối với trường hợp “công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” và “cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức” đã có gia đình thì các điều kiện xét duyệt chính sách nhà ở xã hội có khác so với trường hợp độc thân hay không (ví dụ, điều kiện về thu nhập không phải nộp thuế chỉ áp dụng cho đối tượng trên hay cho cả vợ/chồng).
Xuất phát từ thực tế cho thấy, nhu cầu bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội là nhu cầu chính đáng của các đối tượng hưởng lợi khi thay đổi công việc, thay đổi địa bàn cư trú hoặc lý do bất khả kháng khác. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp tuy chưa đủ 05 năm kể từ khi thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội và đã được cấp giấy chứng nhận, nhưng thuộc trường hợp phải chuyển chỗ ở do thay đổi nơi làm việc hoặc chuyển công tác tại khoản 6 Điều 85 về nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và mang tính khả thi cao khi thực hiện.
Báo Trà Vinh Online
Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.