25/05/2021 07:07
Anh Huỳnh Tấn Một và vợ chăm sóc bò được mua từ nguồn vốn hỗ trợ của mô hình “Quỹ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng”của Công an xã Hiếu Trung.
Thiếu tá Lê Văn Cộng, Trưởng Công an xã Hiếu Trung cho biết: hiện Công an xã đang quản lý 19 người mãn hạn tù và tù tha về địa phương. Hầu hết họ đều có chuyển biến tiến bộ, mong muốn có việc làm ổn định, có cuộc sống bình yên bên người thân, gia đình nhưng nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, gặp trở ngại khi xin việc làm nên số ít họ bất mãn, sa vào các tệ nạn xã hội, quay về con đường cũ, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho người thân, gia đình và xã hội. Từ thực tế đó, Công an xã chủ động thành lập mô hình “Quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” nhằm vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp tạo nguồn quỹ để hỗ trợ vốn cho những người hoàn lương có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Từ khi thành lập mô hình đến nay, Công an xã đã vận động được nguồn quỹ 63 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ cho 05 người mãn hạn tù trở về địa phương, mỗi người được mượn vốn từ 10 -15 triệu đồng, không lãi suất, sau 03 năm làm ăn hiệu quả, đối tượng sẽ hoàn lại vốn cho Công an xã để tiếp tục hỗ trợ cho người khác.
* Anh Huỳnh Tấn Một: Năm 2019, gia đình tôi được Công an xã tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng để chăn nuôi bò. Vợ chồng tôi mua con bò sinh sản với giá 17 triệu đồng, hiện con bò đang mang thai. Được hỗ trợ vốn nuôi bò, tôi vui lắm, những suy nghĩ, ấp ủ của tôi đang dần thực hiện được. * Anh Kim Nghĩa: Bây giờ nghĩ lại, tôi hối hận với việc lầm lỗi của mình, nhưng nhờ động viên, an ủi của chính quyền địa phương, người thân, gia đình nên tôi không còn hụt hẫng, cô đơn. Tôi sẽ không bao giờ tái phạm, cố gắng trở thành công dân tốt. |
Ngày chúng tôi gặp gỡ anh Huỳnh Tấn Một, sinh năm 1979, ngụ ấp Phú Thọ 2, xã Hiếu Trung, anh hòa nhã, phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian khó khăn sau khi ra tù và công việc làm hiện tại, anh đang làm việc cho 01 cửa hàng bán vật tư xây dựng gần nhà. Ngày mãn hạn tù về, tôi mừng và phấn khởi lắm, nhất là được về sống với gia đình, được chăm sóc các con và ấp ủ biết bao dự định, nào là tìm việc làm, có tiền tôi sửa lại căn nhà, nuôi 02 con ăn học, tìm nguồn vốn để chăn nuôi bò… Nhưng thực tế không như tôi nghĩ. Tôi ở nhà gần 01 năm không xin được việc làm, xin làm hồ cũng không ai nhận, nhiều người xa lánh nên tôi càng khép mình. Thời gian đó, tôi buồn và bất mãn lắm. Sau đó, tôi được người quen giới thiệu vào làm công cho cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần nhà, tôi mừng muốn khóc. Công việc hàng ngày của tôi là bốc vác vật tư lên xe tải để chở đi, cũng khá nặng nhọc nhưng chắc nhờ tôi làm việc chăm chỉ và thiệt tình nên cũng được chủ tin tưởng, đối xử tốt, tạo điều kiện cho tôi mua vật tư giá rẻ để sửa lại căn nhà được vững chắc hơn. Hiện nay, nhiều người đã hiểu, cảm thông và không còn né tranh tôi nữa.
Chị Nguyễn Thị Thẩm, vợ anh Một chia sẻ: năm 2015, trong lúc chạy xe đi mời đám thôi nôi con gái, anh Một đã gây ra tai nạn giao thông, làm chết người nên mới đi tù 03 năm. Không ngờ, thời điểm con tròn tuổi lại buồn như thế. Anh đi tù, tôi hụt hẩng lắm, hoàn cảnh nghèo khó, 01 mình lo cho 02 đứa con. Khi anh Một ra tù, đi làm, có tiền sửa lại nhà, gia đình tôi mới thoát khỏi hộ nghèo. Hiện vợ chồng tôi cố gắng làm ăn mong muốn thoát khỏi cận nghèo.
Còn đối với anh Kim Nghĩa, sinh năm 1983, ngụ ấp Tân Trung Giồng B, phạm tội trộm cắp tài sản, bị phạt 01 năm tù giam, ra tù năm 2016. Năm 2017, Kim Nghĩa được Công an xã xét cho mượn 13 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Ngày ra tù Kim Nghĩa cũng gặp khó khi tìm việc làm. Tuy nhiên, nhà có sẵn ruộng đất nên vợ chồng chí thú làm ăn, trồng rau cải bán hàng ngày và nuôi bò sinh sản. Hiện nay, cuộc sống gia đình Kim Nghĩa cũng khá giả, con bò được hỗ trợ đã sinh được bê con, sau 06 tháng nuôi ông đã bán được 19 triệu đồng và đã hoàn trả vốn cho Công an xã.
Theo thiếu tá Lê Văn Cộng, hiệu quả mà mô hình “Quỹ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” mang lại không chỉ tạo điều kiện cho những người một thời lầm lỗi có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, kiềm chế gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn mà còn giúp cho quần chúng Nhân dân có thái độ đúng mực, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người chấp hành xong án phạt tù; tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định tư tưởng, tâm lý sống hòa nhập với cộng đồng. Hàng năm, UBND xã, Công an xã chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các cuộc họp dân, sinh hoạt các câu lạc bộ giữ gìn an ninh, trật tự địa phương về các điều kiện, biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, Công an xã tổ chức gặp gỡ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù để tuyên truyền, giáo dục và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có các biện pháp giúp đỡ kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng Công an xã phối hợp với các ngành, đoàn thể xã, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để có những biện pháp định hướng, quản lý, giáo dục và tạo điều kiện cần thiết để người chấp hành xong án phạt tù sống lương thiện, có ích cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc họ bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ tái phạm tội.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện mô hình “Quỹ Hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” đã giúp đỡ người hoàn lương an tâm lao động, sản xuất, tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa khả năng tái phạm. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những trở thành người có ích cho gia đình, xã hội mà còn là tấm gương để người khác có quá khứ lầm lỗi phấn đấu vươn lên.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Phòng CSGT Công an tỉnh đã tham mưu Ban Giám đốc tổ chức ra quân tổng kiểm soát các phương tiện có gắn thiết bị bơm, hút cát và phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên đường thủy gắn với công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.