17/12/2020 11:16
Phóng viên báo có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Văn Việt, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh về triển khai thực hiện 02 dự án này trên địa bàn tỉnh.
![]() |
|
Thượng tá Lê Văn Việt. |
Phóng viên: Thưa Thượng tá, vừa qua Bộ Công an triển khai 02 kế hoạch quan trọng có ý nghĩa rất lớn đến đời sống người dân, đó là thực hiện Dự án CSDL quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD, Thượng tá cho biết sự cần thiết và mục đích của việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và cấp thẻ CCCD là gì?
Thượng tá Lê Văn Việt: Có thể nói rằng dự án CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD là 02 dự án lớn mang tầm quốc gia được Chính phủ phê duyệt và giao cho lực lượng công an làm nòng cốt thực hiện, có tầm quan trọng đặc biệt.
CSDL quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực tế hiện nay mỗi công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như: giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm, hộ chiếu, giấy phép lái xe,… Khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân phải sao y, chứng thực các loại giấy tờ trên để chứng minh nhân thân, trong khi đó, những loại giấy tờ này đều sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau như họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, dân tộc, nơi thường trú... Vì vậy, khi hoàn thành CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc thì mục tiêu cơ bản đạt được là tạo lập một hệ thống CSDL về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc, đây là CSDL dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng quá nhiều loại giấy tờ cá nhân nhưng không đem lại hiệu quả.
Dự án CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp về thông tin, giảm khối lượng hồ sơ, giấy tờ được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính.
Xây dựng CSDL quốc gia về dân cư tiến tới quản lý dân cư dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ, thông qua mã số định danh cá nhân, tiến tới bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua số định danh cá nhân.
Phóng viên: Thưa Thượng tá, mã số định danh cá nhân là gì? thẻ CCCD có gì khác so với giấy CMND?
Thượng tá Lê Văn Việt: Số định danh cá nhân được xác lập từ việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và gắn với người đó từ khi sinh ra đến khi chết, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về công dân và kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân bao gồm 12 số, do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và được ghi trên giấy khai sinh và thẻ CCCD để phục vụ công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Sắp tới sẽ tiến hành cấp thẻ CCCD thay cho giấy chứng minh nhân dân mà công dân đang sử dụng, sau khi hoàn thành việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư (tức nhiên là mỗi người dân đều được cấp số định danh riêng), thì sẽ tiến hành cấp thẻ CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi theo quy định trên phạm vi toàn tỉnh.
Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam. Thẻ được gắn chíp điện tử, đây là tính năng ưu việt so với giấy chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ khác. Chíp điện tử có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm, có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ khác, người dân có thể không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp để thực hiện nhiều giao dịch, đây là xu thế chung của thế giới vì tính tiện dụng, thuận lợi cho công dân trong các giao dịch trực tuyến. Chíp dùng trên thẻ CCCD được tuân thủ theo quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, khó có thể làm giả, độ tin cậy cao, chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Phóng viên: Thưa Thượng tá, tính đến nay, việc triển khai cấp thẻ CCCD trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào? Và theo lộ trình thì đến thời gian nào sẽ triển khai đồng loạt trong Nhân dân?
Thượng tá Lê Văn Việt: Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 dự án CSDL và CCCD, mục tiêu đến ngày 01/7/2021 cấp được 50 triệu thẻ CCCD trên toàn quốc (trong đó trên địa bàn tỉnh Trà Vinh dự kiến sẽ cấp 600.000 CCCD cho công dân ở độ tuổi từ 14 tuổi trở lên). Hiện nay Công an tỉnh đang gấp rút triển khai kế hoạch cấp CCCD cho công dân.
Lộ trình đến hết năm 2020, công an toàn tỉnh tập trung rà soát, thống kê, lập danh sách công dân trong diện được cấp thẻ CCCD; triển khai các phương tiện, thiết bị; tổ chức nhập thông tin công dân vào hệ thống phần mềm cấp CCCD... Sau khi thực hiện hoàn thành các nội dung công việc trên, cơ quan công an sẽ thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và cấp thẻ CCCD cho công dân. Cụ thể như sau:
- Từ ngày 01/01/2021, triển khai cấp thẻ CCCD cho công dân trên phạm vi toàn tỉnh (thời gian từ khi nhận đủ hồ sơ đến khi trả thẻ CCCD là 15 ngày). Công an tỉnh bố trí 20 tổ công tác cấp CCCD lưu động (mỗi huyện, thị, thành phố 2 tổ), đi đến từng địa bàn dân cư xã, phường, thị trấn để thực hiện việc cấp thẻ CCCD cho công dân. Công dân không cần phải kê khai tờ khai CCCD khi đến làm thủ tục, mà chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân (nếu có). Công an các địa phương sẽ thông báo cụ thể cho Nhân dân nắm về thời gian, địa điểm cấp CCCD.
- Sau ngày 01/7/2021, việc cấp thẻ CCCD tiếp tục được thực hiện tại trụ sở cơ quan Công an ở các huyện, thị xã và phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh. Dự kiến sau khi CSDL quốc gia về dân cư đi vào vận hành và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú. Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.
Phóng viên: Thưa thượng tá, để được cấp thẻ CCCD, người dân cần phải chuẩn bị các loại giấy tờ gì và sử dụng như thế nào?
Thượng tá Lê Văn Việt: Để góp phần thực hiện tốt chủ trương của chính phủ về xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và cấp CCCD trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu tiến độ đề ra, nhằm sớm phục vụ cho công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện các thủ tục với cơ quan, tổ chức. Chúng tôi rất mong mọi công dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, cung cấp thông tin cụ thể, chính xác của bản thân, gia đình để lực lượng Công an các cấp thực hiện việc thống kê, rà soát, lập danh sách công dân trong diện được cấp thẻ CCCD trên địa bàn tỉnh. Đến cơ quan tư pháp - hộ tịch nơi công dân đăng ký thường trú để được hướng dẫn bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh (đối với trường hợp công dân chưa có ngày, tháng sinh), chuẩn bị sẵn sàng các loại giấy tờ như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh (nếu có) để chứng minh nội dung thông tin của bản thân và bố trí, sắp xếp thời gian, công việc để đến nơi tổ cấp CCCD lưu động của lực lượng Công an khi được thông báo, tạo điều kiện cho lực lượng Công an thực hiện việc thu thập, cập nhật thông tin vào CSDL quốc gia về dân cư và cấp CCCD cho công dân được nhanh chóng và thuận lợi.
Phóng viên: Xin cám ơn Thượng tá!
NGUYỄN KHA (thực hiện)
Năm 2024, xác định tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là việc huy động sức mạnh toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải đã xây dựng mô hình “Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa và tố giác tội phạm”.