06/05/2025 16:32
Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh, Tổ trưởng Tổ 8 phát biểu định hướng tại phiên thảo luận Tổ.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 06/5 Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ với 03 nội dung dự án Luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nội dung rất quan trọng đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST).
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, việc sửa đổi Luật KHCN & ĐMST mang tính cấp thiết trong bối cảnh tình hình đất nước hiện nay và thực tế phát triển tại các quốc gia trên thế giới.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Khoa học công nghệ năm 2013, do vậy với các quy định hiện hành về phát triển khoa học công nghệ chưa đủ sức làm nền tảng để đưa đất nước đạt được các mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, đặc biệt là các chủ trương đột phá mạnh mẽ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoạch định trong thời gian gần đây, điển hình là những mục tiêu nêu tại các văn bản:
Kết luận số 123-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 trở đi… đây là mục tiêu mang tính thử thách rất cao, nếu không có cơ chế, chính sách đột phá về KHCN & ĐMST thì chúng ta sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng này.
Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước,
Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt là cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đang được triển khai thực hiện. Cuộc cách mạng này rất cần một hành lang pháp lý thông thoáng mới có thể triển khai thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.
Mặt khác, theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn việc ban hành kịp thời dự án Luật này, sẽ tạo nên hành lang pháp lý chặt chẻ, phù hợp với tình hình bối cảnh mới… để KHCN & ĐSMT thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tham gia góp ý cụ thể vào Điều 9 của dự thảo Luật, về chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN & ĐMST, ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhất trí cao với nội dung này, và cho rằng đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với những rủi ro, thậm chí có những rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thực tế cho thấy, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các công nghệ mới luôn tiềm ẩn rủi ro thất bại, nhưng đây là động lực quan trọng để thúc đẩy đột phá phát triển. Nếu không chấp nhận rủi ro, thì tổ chức, cá nhân sẽ rất e ngại dấn thân vào nghiên cứu sáng tạo, từ đó sẽ dẫn đến làm trì trệ, tụt hậu đất nước
Dẫn chứng những kinh nghiệm các nước trên thế giới, ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng họ đều có cơ chế đảm bảo an toàn pháp lý để bảo vệ nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học công nghệ chân chính được miễn trách nhiệm hình sự hoặc dân sự khi họ bị thất bại, nhưng có chủ đích là tốt, không vụ lợi, không cố ý gây thất thoát, thiệt hại cho nhà nước và cộng đồng xã hội.
Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, có không ít trường hợp các Viện, Trường hay các nhà khoa học vẫn còn tâm lý “lo sợ thất bại”, "sợ cái sai do vô ý". Họ sợ vì cơ chế xử lý vi phạm của pháp luật hiện hành “rất cứng nhắc”, từ đó khiến nhiều dự án khoa học công nghệ bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương, của đất nước. Do vậy, việc thiết kế nội dung quy định "Chấp nhận rủi ro trong hoạt động KHCN & ĐMST" trong Luật KHCN & ĐMST là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, để tránh lạm dụng, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị Luật cần xây dựng các quy định thật chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức cá nhân thực hiện dự án KHCN và ĐMST. Cụ thể:
Về phạm vi rủi ro được chấp nhận, Luật chỉ nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động KHCN & ĐMST có tính đột phá, không lường trước được, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm, không nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động KHCN & ĐMST mang tính chất không quan trọng, không cấp thiết và khả năng, mức độ đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, cần giới hạn phạm vi rủi ro, cụ thể là không nên áp dụng đối với các rủi ro phát sinh từ hoạt động KHCN & ĐMST gây thiệt hại đến môi trường hay sức khỏe cộng đồng.
Về điều kiện được hưởng cơ chế "chấp nhận rủi ro", theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn các dự án, đề tài KHCN & ĐMST phải có mục đích minh bạch, rõ ràng, không tạo lớp vỏ bọc để trục lợi chính sách… Điển hình như Dự án trí tuệ nhân tạo (AI) hợp tác với công ty nước ngoài, nhưng dữ liệu nghiên cứu bị sử dụng cho mục đích giám sát hoặc thương mại hóa trái phép; hay chúng ta không loại trừ có những dự án sử dụng người thân, đồng nghiệp làm "thành viên hội đồng phản biện" để thông qua trót lọt dự án… họ chỉ báo cáo kết quả ảo, sao chép nghiên cứu từ nước ngoài mà không ghi rõ nguồn… Do vậy, các dự án, đề tài KHCN & ĐMST phải được đăng ký, thẩm định bởi cơ quan có thẩm quyền (Bộ KH&CN, Hội đồng đạo đức khoa học cấp quốc gia; hay UBND các tỉnh). Các Dự án KHCN & ĐMST phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo các bước thử nghiệm, đánh giá tác động theo tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế tùy theo bản chất, mục tiêu của từng dự án; ngoài ra, dự án đó phải có kế hoạch quản lý rủi ro bao gồm phương án dự phòng, bảo hiểm rủi ro, cam kết bồi thường nếu vi phạm.
Về danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển KHCN & ĐMST, cần phải xây dựng một danh mục riêng, đồng thời phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro theo từng lĩnh vực cụ thể… để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đảm bảo triển khai các dự án KHCN & ĐMST đảm bảo hiệu quả.
“Việc quy định nội dung "chấp nhận rủi ro" trong Luật KHCN & ĐMST là cần thiết để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng phải đi kèm các điều kiện chặt chẽ về phạm vi, trách nhiệm pháp lý, giám sát đạo đức, và cơ chế chia sẻ rủi ro. Điều này sẽ vừa giúp đất nước hội nhập sâu vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng vừa bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta tuyệt đối không nên biến "cơ chế chấp nhận rủi ro" thành lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm của nột số tổ chức cá nhân có ý định lợi dụng cơ chế này để trục lợi chính sách, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng chung đến uy tín các Nhà nghiên cứu khoa học chân chính” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
|
Báo Trà Vinh Online
Chiều ngày 05/5, tại Hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: (i) Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (ii) Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.