15/02/2024 15:12
Tiểu Cần là huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Từ đó đến nay, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để xây dựng huyện NTM nâng cao, với tổng kinh phí hơn 2.014 tỷ đồng (Nhân dân đóng góp hơn 126 tỷ đồng). Thông qua nguồn lực trên, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao theo lộ trình, kế hoạch đề ra. Đến nay, có 09/09 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 09/09 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó, có 06 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 và 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025). Riêng 02 thị trấn Tiểu Cần và Cầu Quan đều được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện Tiểu Cần quyết tâm xây dựng đạt chuẩn đô thị loại IV và phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh.
Ảnh: KHẮC PHÚ
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiểu Cần cho biết: qua 05 năm triển khai xây dựng huyện NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiểu Cần đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, điều hành linh hoạt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác nâng chất các tiêu chí huyện NTM, xây dựng huyện NTM nâng cao. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt trên 9.977 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 12,87%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 82,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,8 triệu đồng so với năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 1,98% (giảm 1,38% so với năm 2018).
Trong năm 2023, huyện đã tập trung xây dựng các công trình giao thông và xây dựng cơ bản như: xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa 41 công trình, tổng mức đầu tư trên 189 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp nghiệm thu đưa vào sử dụng 34 công trình với tổng mức đầu tư trên 218,653 tỷ đồng; phối hợp với tỉnh tổ chức bàn giao mặt bằng thi công Dự án cầu Đại Ngãi thuộc địa phận huyện Tiểu Cần.
Đến nay, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao; các phong trào văn hóa - thể thao; các giá trị lịch sử không ngừng được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững; người dân được thụ hưởng cuộc sống no ấm về vật chất, đời sống tinh thần vui tươi.
Công tác quy hoạch được tập trung rà soát và điều chỉnh theo quy định, huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng huyện, có quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn, có ban hành quy chế quản lý và được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt; hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng và nâng cấp đảm bảo theo chuẩn NTM nâng cao gồm: 02 tuyến Quốc lộ 54 và 60; 03 tuyến đường tỉnh; 08 tuyến đường huyện và hệ thống đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 582km. Trong đó, có 22 tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa dài 80,49km được bảo trì hàng năm; 60 tuyến đường trục ấp, liên ấp với 137,82/163,92km có các hạng mục cần thiết theo quy định; 270 tuyến đường ngõ, xóm với 219,51/234,22km được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp; 43 tuyến đường trục chính nội đồng dài 86,55/103,76km được cứng hóa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
Song song với xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội, huyện xác định phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho Nhân dân đối với huyện nông nghiệp là nội dung cốt lõi trong XDNTM. Huyện đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM. Quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh, nông nghiệp sạch vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 27,6ha ở xã Hùng Hòa; xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt trên địa bàn 09 xã, với diện tích 2.741,63ha, có 3.219 hộ tham gia thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần tăng giá trị cây dừa, là sản phẩm chủ lực của huyện.
Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế, nổi bật như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 0,45ha ở xã Phú Cần; mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và bổ sung phân vi sinh với diện tích 2,1ha ở xã Tân Hùng. Tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, đến nay 09/09 xã đều có mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu như: 100% khâu làm đất, bơm tát nước, 100% khâu gặt lúa và 70 - 80% khâu gieo sạ, phun thuốc bằng cơ giới, góp phần tăng năng suất lao động, giảm tỷ lệ hao hụt còn dưới 10%. Đặc biệt, nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu gom phụ phẩm của cây lúa (rơm) tăng thu nhập cho người dân 1,6 triệu đồng/ha. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của 12 hợp tác xã nông nghiệp, với 1.369 thành viên, vốn điều lệ 06 tỷ đồng; 155 tổ hợp tác với 4.330 thành viên.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ cũng được quan tâm phát triển. Huyện có Công ty TNHH giày da Mỹ Phong và Công ty TNHH MTV Bestmate Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) và một số nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm hơn 20.599 lao động, thu nhập bình quân từ 05 - 08 triệu đồng/người/tháng. Việc phát triển công nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng nông nghiệp giảm, lao động hoạt động trong công nghiệp, dịch vụ tăng dần qua từng năm, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tăng chất lượng, năng suất lao động trong sản xuất.
Năm 2024, huyện Tiểu Cần tập trung thực hiện “05 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá”; tiếp tục giữ vững, nâng chất các nội dung tiêu chí huyện, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; xây dựng xã Tân Hùng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP.
Để thực hiện đạt các mục tiêu, huyện tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về XDNTM nâng cao. Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện của cả hệ thống chính trị đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc. Nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức để nâng chất công tác tuyên truyền, vận động XDNTM nâng cao và phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa phục vụ XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
HỒNG NHUNG
Mục tiêu XDNTM hướng đến là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với ý nghĩa đó, hơn 13 năm triển khai XDNTM, tỉnh Trà Vinh luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương đã góp phần thay áo mới ở địa phương có hơn 31,5% đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày này, hòa chung niềm vui khi Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, khắp phum sóc, đồng bào Khmer cũng đang hân hoan nhìn lại những đổi thay tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.