04/07/2023 08:13
Huyện Càng Long có trên 80% hộ dân sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Văn Á, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Càng Long cho biết: Phòng NN-PTNT huyện tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, phát huy thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển biến mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất.
Năm 2022, diện tích gieo trồng của huyện Càng Long là 47.621,56ha (đạt 88,73% kế hoạch), ước thực hiện 06 tháng đầu năm 2023 đạt 39.539,79ha. Trong sản xuất từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có quy mô lớn như: cây cam sành diện tích trên 600ha; bưởi da xanh 150ha, thanh long trên 260ha, cây lác 650ha, dừa hữu cơ 3.739ha/8.338ha, chiếm 44% tổng diện tích dừa của huyện, có trên 80% hộ dân sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất.
Một số mô hình nổi bật như trồng bưởi da xanh của Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Số 7, xã Mỹ Cẩm với quy mô 10ha/28 tổ viên, mô hình sử dụng phân thuốc vi sinh không gây ảnh hưởng môi trường, mang lại thu nhập cao cho tổ hợp tác với năng suất thu hoạch 128 tấn, doanh thu 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận 2,42 tỷ đồng/năm. Mô hình trồng chanh không hạt của Hợp tác xã Thành Chí, ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội với quy mô 20ha/40 thành viên hợp tác xã, mang lại thu nhập cao cho nông dân với năng suất 20 tấn, doanh thu 450 triệu đồng, lợi nhuận 240 triệu đồng/năm. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long diện tích 260ha tập trung ở các xã Phương Thạnh, Huyền Hội, Bình Phú, Nhị Long Phú, sản lượng hàng năm trên 2.000 tấn cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây lác diện tích khoảng 650ha tập trung ở xã Đức Mỹ, Đại Phúc, Nhị Long Phú, năng suất bình quân 10 tấn/ha, sản lượng trên 6.500 tấn, lợi nhuận trung bình 130 triệu đồng/ha. Tổng giá trị ngành trồng trọt 2.775 tỷ đồng, chiếm 75% giá trị ngành nông nghiệp của huyện.
Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dịch khá rõ nét, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung, nâng cao giá trị gia tăng. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi bò, dê và heo rừng của ông Nguyễn Văn Nguyên, ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh nuôi gần 60 con bò, dê và heo rừng, lợi nhuận mang lại khoảng 346 triệu đồng/năm; Mô hình nuôi vịt của ông Nguyễn Văn Nhanh, ấp Trung Thiên, xã An Trường A lợi nhuận 209 triệu đồng/năm; Mô hình nuôi nhữ ong mật ngoài tự nhiên của ông Võ Văn Đơ, ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú với quy mô 100 thùng, cho sản lượng khoảng 100 lít/năm, lợi nhuận 80 triệu đồng/năm; Mô hình nuôi heo rừng của ông Nguyễn Ngọc Na Anh, ấp Số 4, xã Mỹ Cẩm với quy mô nuôi 100 con heo rừng lợi nhuận 400 triệu đồng/năm... Tổng giá trị ngành chăn nuôi là 927 tỷ đồng, chiếm 25% giá trị ngành nông nghiệp của huyện. |
Lĩnh vực thủy sản được đẩy mạnh phát triển nuôi trồng theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại. Nông dân tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng lúa, mương vườn, các vùng đất ven các sông, kênh, rạch chính... để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản như: ba ba, cua đinh, lươn, ếch, nuôi chuyên tôm càng xanh trong ao đất...
Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp nuôi trùn quế của ông Lưu Văn Huân, ấp Thanh Bình, xã Tân Bình cho lợi nhuận 550 triệu đồng/vụ (11 tháng), bên cạnh bán trùn quế thương phẩm và phân trùn quế trên 100 triệu đồng. Mô hình ươn ếch giống và nuôi ếch thịt của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh với quy mô 0,1ha, đây là mô hình nuôi ếch thịt, có sử dụng ao lắng, lọc trước khi thải ra môi trường, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận khoảng 780 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, đến nay, Càng Long có 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó có 01 sản phẩm đạt 4 sao, các sản phẩm OCOP của huyện được tổ chức xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phía Nam, hiện được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, huyện có 01 cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản của tỉnh tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, ngoài ra còn được bày bán tại các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh.
Nông nghiệp phát triển ổn định, kinh tế hợp tác được phát huy, sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm sử dụng cùng với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, kết hợp Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Từ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Đến tháng 6/2023, huyện Càng Long có trên 30.000 hộ đạt 08/08 tiêu chuẩn hộ gia đình văn hóa, nông thôn mới (chiếm 92,64% so với tổng số hộ phát động); có 108/111 ấp nông thôn mới (chiếm 97,29%), 13/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 100%). Trong đó có 07/13 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện giữ vững 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới.
|
Theo đồng chí Nguyễn Văn Á, để thực hiện đạt mục tiêu đưa huyện Càng Long đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025, Phòng NN-PTNT huyện Càng Long tiếp tục tham mưu UBND huyện trong công tác định hướng chỉ đạo sản xuất, đồng thời phối hợp tốt với các địa phương và các ngành triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; nghiên cứu đề xuất xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Phát triển sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với XDNTM. Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và kết nối với thị trường tiêu thụ. Xây dựng vùng nguyên liệu, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGap, GlobalGap) và truy xuất nguồn gốc.
Tăng cường nghiên cứu, đề xuất chuyển giao các ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản trong chuỗi sản xuất, khuyến khích nông dân chọn các cây giống, con giống có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Thúc đẩy triển khai tích cực, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện, nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM, phấn đấu đưa huyện Càng Long về đích huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Mục tiêu XDNTM hướng đến là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với ý nghĩa đó, hơn 13 năm triển khai XDNTM, tỉnh Trà Vinh luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer. Thông qua các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương đã góp phần thay áo mới ở địa phương có hơn 31,5% đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày này, hòa chung niềm vui khi Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, khắp phum sóc, đồng bào Khmer cũng đang hân hoan nhìn lại những đổi thay tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia mang lại.